2670

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: PV

Hạn chế lĩnh vực đầu tư PPP

Theo báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật PPP, các ý kiến về đầu tư PPP tập trung 3 nhóm quan điểm: Một là, thống nhất như đề xuất của Chính phủ và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung lĩnh vực đầu tư khác, phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hai là, cần hạn chế lĩnh vực đầu tư và không giao Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung. Ba là, mở rộng các lĩnh vực, bao gồm các hoạt động đầu tư xã hội hóa hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia.

Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 6 nhóm lĩnh vực (giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin) gắn với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP và giao Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực trên cơ sở căn cứ nhu cầu, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá lĩnh vực đầu tư như ở dự thảo luật dù đã thu gọn nhưng vẫn rộng. Nhiều hoạt động đáng lẽ là để doanh nghiệp, hơn là ngân sách phải tham gia, chẳng hạn như lĩnh vực nhà máy điện, trước đây vẫn là tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước. "Nếu nay ta lại đưa vào lĩnh vực đầu tư với sự tham gia của ngân sách, thì sẽ là sa lầy" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng phải làm rõ thực trạng, căn cứ để xác định lĩnh vực đầu tư PPP, với ưu, nhược điểm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Cái gì thuộc lĩnh vực đầu tư công khó khăn thì có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân cùng thực hiện.

Đề nghị dự án PPP đặc thù có thể có quy mô dưới 200 tỷ đồng

Về quy mô đầu tư dự án PPP, đa số ý kiến nhất trí với việc giao Chính phủ quy định hạn mức quy mô đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Một số ý kiến nhất trí với việc quy định ngay tại dự thảo luật quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giảm hạn mức hoặc không quy định hạn mức.

Băn khoăn về quy mô dự án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, quy định quy mô không thấp hơn 200 tỷ đồng là phù hợp, song đối với miền núi là khu vực chậm phát triển, hạ tầng yếu kém cần phải huy động nguồn lực xã hội cho những dự án quy mô nhỏ hơn. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, đối với những khu vực khó khăn, miền núi, dân tộc nên quy định quy mô đầu tư dự án tối thiểu là 100 tỷ đồng để tạo điều kiện thu hút nguồn lực.

Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cũng đề xuất đối với những dự án có tác động xã hội lớn, nhiều người thụ hưởng, hay cho tác động tới nhóm yếu thế, đặc thù trong xã hội thì có thể cho phép tổng mức vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, liên quan đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) với các dự án PPP, nhiều ý kiến đồng tình quan điểm dự án PPP sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho Nhà nước nên đây cũng là tài sản công, do đó sự tham gia của KTNN là bắt buộc. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn việc KTNN tham gia từ trước khi ký hợp đồng là chưa có trong thông lệ quốc tế và cũng chưa từng có từ trước đến nay. Để quy định vấn đề này trong dự thảo luật cần phải làm rõ tính khả thi, tính phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như phù hợp các quy định khác, cụ thể là Luật KTNN.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng khi chưa ký kết hợp đồng thì đây là trách nhiệm của cơ quan phê duyệt, cơ quan thẩm định hơn là cơ quan kiểm toán. KTNN chỉ kiểm toán khi có nghiệp vụ phát sinh, chứ không phải khi chưa ký hợp đồng, chưa thực hiện gì./.

H.Y