Luật sư Danforth Newcomb - một trong những chuyên gia hàng đầu về phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã cho biết như vậy tại buổi Tọa đàm về kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức ngày 11/9.

Tại buổi tọa đàm, luật sư Newcomb nhấn mạnh: tham nhũng ảnh hưởng rất lớn tới việc đầu tư của các công ty nước ngoài vào mỗi quốc gia. Các công ty đa quốc gia sẽ căn cứ vào chỉ số tham nhũng ở mỗi quốc gia để quyết định đầu tư ở những nước có chỉ số tham nhũng thấp hơn.

Trong vòng 20 năm qua, chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia có đạo luật cấm hành vi đưa hối lộ ở nước ngoài (đạo luật FCPA), trong khi các nước khác chỉ có luật cấm đưa hối lộ ở trong nước. Do đó, hành vi hối lộ ở quốc gia này cũng như của các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh tại các quốc gia khác trên thế giới được giảm đáng kể, luật sư Danforth Newcomb cho biết.

Một nghiên cứu gần đây do TI - Tổ chức minh bạch thế giới của Đức cho thấy, tham nhũng khiến đầu tư nước ngoài giảm tới 70% đối với những quốc gia có vấn nạn này. Bên cạnh đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho biết, vấn nạn tham nhũng làm thiệt hại 5% kinh tế thế giới mỗi năm.

So sánh trên toàn cầu, Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand là 3 nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất trong bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của 174 quốc gia được TI nghiên cứu. Việt Nam đứng thứ 123/174 nước được khảo sát và xếp thứ 109/141 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất do tạp chí Forbes xếp hạng

Về bài học cho Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng, luật sư Newcomb cho rằng, cần phải huy động nhiều nguồn lực tham gia vào công tác này, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, để các cơ quan này tự tiến hành điều tra nội bộ về tham nhũng ở đơn vị mình, qua đó giảm gánh nặng cho Nhà nước và đem lại hiêu quả cao.

Các doanh nghiệp cần được khuyến khích xây dựng cho chính doanh nghiệp mình chương trình tuân thủ luật phòng chống tham nhũng để phổ biến hành động này tới mọi nhân viên của mình, kịp thời phát hiện và ngăn chăn các hành vi hối lộ, tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng, cần tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính phủ trong việc tiến hành các vụ điều tra tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp, Nhà nước chỉ đứng ra làm cơ quan giám sát các vụ điều tra này. Từ đó giúp Chính phủ tiết kiệm được nguồn lực do công việc điều tra đã được các doanh nghiệp tự tiến hành./.

Vũ Luyện