Tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi

Tại Quyết định số 2603/QĐ-BTC ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đã chú trọng đến việc tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực quản lý, trong đó tập trung vào lĩnh vực chi thường xuyên và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, mua sắm tài sản công.

Thực hiện nghiêm các quy định đã đặt ra, từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư. Đồng thời, KBNN cũng chủ động quản lý, điều hành, sử dụng NSNN đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách các cấp.

Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2022, KBNN đã kiểm soát chi thường xuyên ước đạt trên 183.188 tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022; kiểm soát chi đầu tư (kế hoạch vốn năm 2022) ước đạt trên 43.188 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công.
Bộ Tài chính tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công.

Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thiện, bổ sung hồ sơ thanh toán theo đúng quy định là 352.924 món chi với tổng số tiền 40.755 tỷ đồng. Số thực từ chối thanh toán là 1.732 món chi với tổng số tiền 119 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát NSNN để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN và yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 11.406 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 251.650 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 10.806,8 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN 1.992,3 tỷ đồng.

Trong công tác mua sắm, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc các bộ, ngành quản lý tài sản hạ tầng chuyên ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng như lĩnh vực thương mại, thể thao. Tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công thuộc lĩnh vực y tế, dạy nghề… Thực hiện nghiêm quy định về mua sắm, sửa chữa, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí.

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Đến nay, việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở tổ chức, thực hiện việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác và xử lý tài sản công đã cơ bản hoàn thành.

Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng đi vào thực chất, Bộ Tài chính đang tiếp tục đưa ra giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi, quản lý thu NSNN. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, gắn với tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng NSNN và các nguồn lực tài chính công.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng. Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả…

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công vận hành hiệu quả

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 28/2/2022 đã cập nhật 1.856,39 nghìn tỷ đồng nguyên giá tài sản công; 60.856 tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (tổng nguyên giá 4.238,9 nghìn tỷ đồng, giá trị còn lại 3.303,78 nghìn tỷ đồng); 509,81 nghìn km chiều dài các tuyến đường; 15.812 công trình nước sạch nông thôn tập trung, với tổng giá trị 33.457 tỷ đồng.