Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN, về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLN, thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ- CP (NĐ 118).

* PV: Xin ông cho biết một số kết quả về việc triển khai thực hiện sắp xếp, công ty NLN?

- Ông Hà Công Tuấn: Tổng số doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo NĐ 118 gồm 254 DN. Tính đến 31/5/2016, Bộ NN&PTNT đã thẩm định và xác định mô hình cho 251 DN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mô hình sắp xếp cho 243 DN.

Về quản lý, sử dụng đất, căn cứ theo phương án tổng thể và báo cáo của các địa phương, bộ, ngành, tổng diện tích đất các công ty NLN hiện đang quản lý, sử dụng trên 2.383.611 ha; dự kiến giữ lại quản lý, sử dụng trên 1.938.337 ha; giao về địa phương trên 452.055 ha.

Về tài chính và kết quả sản xuất (bình quân 3 năm 2012 - 2014), tính đến 25/12/2015, tạm tính tổng giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty NLN là hơn 40.517 tỷ đồng, bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm là 2.797 tỷ đồng. Khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối các công ty lâm nghiệp. Tổng số lỗ lũy kế 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp. Những công ty có số lỗ lũy kế lớn đều phải giải thể nếu không cân đối được và vượt quá ¾ vốn chủ sở hữu.

* PV: Có ý kiến cho rằng, mặc dù quá trình triển khai thực hiện NĐ 118 về cơ bản đã hoàn thành, nhưng vẫn còn chậm do gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, như: Việc lựa chọn đối tác góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH); xác định giá trị vườn cây rừng trồng… Thực tế vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn
Ông Hà Công Tuấn

- Ông Hà Công Tuấn: Thực tế, sắp xếp, đổi mới các công ty NLN là việc khó vì liên quan đến đất đai, lao động và tài sản trên đất, nhất là việc khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định. Mặt khác, khi xây dựng đề án cần phải thống nhất với địa phương, nên cần có thời gian để thực hiện và đảm bảo chất lượng của đề án.

Tại một số địa phương, DN mới được bàn giao, thay đổi đầu mối quản lý, hoặc là đối tượng đang bị thanh, kiểm tra nên việc thực hiện sắp xếp cũng khó khăn và cần nhiều thời gian hơn. Do đó, có một số địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chậm so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị khó khăn trong việc lựa chọn mô hình mới, nhất là về tiêu chí để lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Các tiêu chí cho công ty NLN hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh cũng không có. Các DN này vừa hoạt động sản xuất kinh doanh vừa phải thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên địa bàn. Về việc thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể cũng khiến DN được sắp xếp theo mô hình này, gặp nhiều vướng mắc.

Không những vậy, trong quy định của NĐ 118 không có hình thức phá sản công ty NLN. Hiện nay, một số công ty phải giải thể, đủ điều kiện phá sản nhưng không thực hiện được. Vì vậy, địa phương rất khó xử lý, do các khoản công nợ của các DN này lớn, chủ sở hữu không có khả năng giải quyết. Nếu thực hiện giải thể cần có cơ chế xử lý nợ để giảm gánh nặng cho địa phương, nhất là các tỉnh nghèo vẫn phải dùng ngân sách hỗ trợ của Trung ương…

* PV: Để tháo gỡ những khó khăn cho các công ty NLN, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sau sắp xếp, đổi mới, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Hà Công Tuấn: Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thành các văn bản hướng dẫn NĐ 118. Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 135/2005/NĐ-CP (ngày 8/11/2005) về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông, lâm trường quốc doanh, hiện đã xây dựng xong, đang lấy ý kiến; dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2016.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù cho các công ty NLN trong các nội dung như: Kinh phí kiểm đếm vườn cây, rừng trồng; cho phép kéo dài thời gian hoàn thành rà soát, đo đạc cắm mốc đất đai…

Đặc biệt, hiện nay Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép bổ sung thêm hình thức sáp nhập, hợp nhất các công ty NLN trên cùng địa bàn, cùng chủ sở hữu nhằm nâng cao hơn giá trị DN.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Khánh (thực hiện)