Làm gì để gỡ khó cho bệnh viện công lập tự chủ ở TP. Hồ Chí Minh?
Ảnh minh họa

Lộ diện những khó khăn

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính gần 20 năm qua đã tạo sự thay đổi, khởi sắc cho ngành Y tế. Nhờ tự chủ, cơ sở vật chất các bệnh viện khang trang hơn, trang thiết bị được đầu tư mới nhiều hơn từ nhiều nguồn vốn khác nhau, mở rộng loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật y tế mới được triển khai...

Thành phố cũng tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm do không phải cấp ngân sách cho các bệnh viện hoạt động. Hiện ngân sách cấp cho ngành Y tế chỉ còn 2%/tổng chi thường xuyên của thành phố, trong khi năm 2015 là 9%. Một số bệnh viện phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, còn rất nhiều bệnh viện gặp khó khăn với sự xuất hiện những khoảng cách giữa các bệnh viện công lập với nhau và các khoảng cách này ngày càng rõ nét hơn.

Theo ông Nam, có nhiều vấn đề còn tồn tại trong quá trình tự chủ như: Giá dịch vụ khám chữa bệnh mới chỉ tính trên 4/7 yếu tố. Cụ thể, 3 yếu tố chưa được tính vào giá gồm: khấu hao tài sản, chi phí bộ phận gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ.

Ông Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau 9 năm tự chủ tài chính, năm 2021, bệnh viện này âm 91 tỷ đồng; bảo hiểm y tế "treo" thêm 38 tỷ đồng. Nguồn thu giảm sâu trong giai đoạn dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, bệnh viện không đủ tiền trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên cũng như sửa chữa, bảo trì máy móc, tái đầu tư thiết bị y tế.

“Năm ngoái, bệnh viện không có nguồn để thưởng tết, phải cân đối tất cả các nguồn khác để thưởng đều mỗi người 7,5 triệu đồng từ giám đốc cho đến hộ lý, điều dưỡng... Thu nhập bình quân nhân viên y tế bệnh viện 8,8 triệu đồng/tháng là dùng tiền tích lũy trước đây để chi” - ông Dũng chia sẻ.

Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong 4 bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện. Theo Ths. Tôn Văn Tài - trưởng đơn vị đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện thực hiện tự chủ theo nhiều giai đoạn. Trong đó, hiện bệnh viện tự chủ theo Nghị định 60 nhóm II, là tự đảm bảo chi thường xuyên, còn đầu tư thiết bị, xây dựng cơ bản do Nhà nước đầu tư.

Chính điều này dẫn đến bệnh viện không có nguồn thu để tái đầu tư, người bệnh không được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến. Ngoài ra, bệnh viện còn phải tự cân đối tiền công, tiền lương và các chi phí hợp pháp để chi trả cho bộ phận gián tiếp, làm hạn chế cơ hội phát triển các kỹ thuật mới và đào tạo nâng cao tay nghề của nhân viên y tế.

Một số bệnh viện tự chủ tài chính tại TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, do giá khám chữa bệnh chưa được tính đúng tính đủ, bệnh viện càng làm càng thâm hụt mà không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất. Máy móc, thiết bị ngày càng lạc hậu, không có nguồn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thuốc bệnh viện mua vào bao nhiêu thu từ bệnh nhân bấy nhiêu, trong khi chi phí mua sắm, kho lưu trữ đạt chuẩn, công đóng gói, phân phối... đều không thu phí, chưa kể thuốc lưu trữ trong kho cũng hao hụt, hết hạn.

Để cân đối không vượt tổng mức thanh toán, các bác sĩ bệnh viện phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ khác như: chọn thuốc trong - ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, kỹ thuật cao, thuốc thanh toán theo tỉ lệ... để cân đối chi phí điều trị cho người bệnh, điều này ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

6 kiến nghị gỡ khó

Mới đây, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo và kiến nghị lãnh đạo thành phố các nội dung nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện và sớm có một số giải pháp quan trọng giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững.

Cụ thể, sở kiến nghị thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi.

Làm gì để gỡ khó cho bệnh viện công lập tự chủ ở TP. Hồ Chí Minh?
Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Cùng với đó, sở kiến nghị UBND thành phố có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện. Bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này.

Kiến nghị thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của cơ sở và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của đơn vị. Đồng thời, sở cũng kiến nghị chính quyền thành phố thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện.

Bên cạnh đó, sở kiến nghị thành phố có cơ chế chính sách cho phép ngành Y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Đồng thời, hội đồng cũng tham mưu UBND thành phố các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện, thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành (Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp…).

Trước đó, Sở Y tế đã phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố để hỗ trợ cho 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù cho nhân viên y tế.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố cho thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện. Hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện.