Chiều 9/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), với tỷ lệ 77,82% đại biểu tán thành.

Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa

Với 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với luật hiện hành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Lần đầu tiên Việt Nam có mô hình Hội đồng y khoa quốc gia
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật, một vấn đề có nhiều ý kiến băn khoăn là về Hội đồng Y khoa quốc gia. Có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, cho rằng, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế; có ý kiến băn khoăn về chất lượng Hội đồng và tính độc lập của Hội đồng với Bộ Y tế, cân nhắc quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên tham gia vào Hội đồng Y khoa quốc gia, bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Về vấn đề này, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ đạo “thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia” và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng nguồn nhân lực y tế. Theo kinh nghiệm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực của người hành nghề thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Tuy nhiên, khi quy định cụ thể về các nội dung trong Điều này, đề nghị Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do Hội đồng Y khoa quốc gia là mô hình lần đầu tiên có ở Việt Nam, nên còn nhiều vấn đề mới, chưa rõ, chưa ổn định nên Luật giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động. Vì những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Lần đầu tiên Việt Nam có mô hình Hội đồng y khoa quốc gia

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Bộ Y tế chủ trì phối hợp Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong quá trình góp ý, có ý kiến đại biểu cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều này; giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.

Cùng với đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chưa rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính; có ý kiến cho rằng cần có sự kết nối liên thông phù hợp với một số luật trong thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu.

Về vấn đề này, UBTVQH cho biết trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến nội dung này đã thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đối chiếu với các dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và xin ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này để bảo đảm có sự kết nối liên thông phù hợp với các luật liên quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý điểm a khoản 5 Điều 110 theo hướng Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Trong các yếu tố cấu thành giá quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm: Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có); Các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quy định cụ thể bao gồm: Chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định; Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác; Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.