Sáng nay, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tờ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thẩm tra dự án luật này của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Cân nhắc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mục đích của việc sửa đổi tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu qủa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn.

Những nội dung chủ yếu được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này là: chính sách bảo đảm đầu tư; danh mục lĩnh vực cấm đầu tư lĩnh vực đầu tư có điều kiện; quy định về hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư; quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài....

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình về sự cần thiết ban hành Luật đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các điều ước quốc tế đang đàm phán hiện nay như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do khác để khi các hiệp định này được ký kết có hiệu lực thì không xung đột với các quy định dự án Luật này.

Một trong những vấn đề cụ thể được Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc thêm là tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với một doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam.

Ủy ban Kinh tế cho rằng hiện nay không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài trong khi đó quy định này lại liên quan đến việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư ở một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế gia nhập thị trường như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật, góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

det may

Tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn. Ảnh:TL

Loại bỏ những thủ tục không cần thiết

Một trong những sửa đổi thu hút nhiều sự quan tâm của dự thảo Luật Đầu tư lần này là bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư, trừ dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Theo Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng các dự án đầu tư vào hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhận đầu tư, vì vậy, việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án này là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.

Đối với quy định thủ tục thông báo đầu tư trong dự thảo Luật về bản chất là một loại giấy phép, các quy định này chưa thể hiện được bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính như mục tiêu sửa đổi luật.

Hơn nữa, việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thông báo đầu tư không làm mất đi công cụ quản lý của nhà nước bởi các cơ quan quản lý vẫn có thể thực hiện chức năng của mình thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật quy định.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Đối với giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, nước ta rất cần vốn để phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Các vấn đề được đưa ra thảo luận là vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của Nhà chức trách hàng không; chức năng, nhiệm vụ của thanh tra hàng không; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; việc mở, đóng và lập quy hoạch đối với sân bay chuyên dùng; điều kiện kinh doanh vận tải hàng không…

Trung Ninh