Chiều ngày 18/2, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) đang có chuyến thăm Việt Nam.

Mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng Việt Nam - EU
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam coi trọng vai trò của EU - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tích cực của quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU trong thời gian qua, tập trung vào hợp tác trong các trụ cột chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển và an ninh - quốc phòng.

Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song nhờ triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2022, hai bên tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, khôi phục họp trực tiếp các cơ chế hợp tác, đối thoại; đề nghị EU tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam vào thị trường châu Âu, nhất là hàng nông sản, trái cây mùa vụ.

Trên cơ sở những nỗ lực tích cực và tiến bộ mà Việt Nam đạt được, Thủ tướng đề nghị EU xem xét tích cực gỡ bỏ thẻ vàng IUU về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đối với hàng thuỷ sản của Việt Nam; ủng hộ việc thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sớm có hiệu lực.

Trao đổi về việc triển khai các kết quả Hội nghị COP26, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Với nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Việt Nam sẽ tích cực sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan; xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể và rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính; thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách phù hợp, bền vững, bảo đảm công bằng, công lý; xây dựng lộ trình nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao EU đóng vai trò đi đầu trong giải quyết các vấn đề khí hậu toàn cầu và coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của Chương trình hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2021 – 2027; đồng thời tin tưởng các chiến lược, chính sách của EU về khí hậu sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai bên, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị EU và các nước thành viên, doanh nghiệp, tổ chức tài chính châu Âu hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, nhân lực, năng lực quản trị, tài chính để thực hiện các cam kết, các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường; nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam tương tự mô hình mà EU cùng một số nước châu Âu đã ký kết với Nam Phi.

Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ của Việt Nam; khẳng định Liên minh châu Âu coi trọng quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, đặc biệt mong muốn tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực ưu tiên về thương mại – đầu tư, phát triển bền vững, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học – công nghệ, năng lượng sạch….

Ông Frans Timmermans đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị COP26. Ông khẳng định EU cùng các nước thành viên mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư, giúp Việt Nam triển khai thành công các cam kết tại COP26; ủng hộ Việt Nam tự chủ về năng lượng giống như Việt Nam đang tự chủ về kinh tế.