NH

Một số ngân hàng lớn của thế giới bị tố giao dịch ‘tiền bẩn’ suốt nhiều năm.

Theo đài BBC (Anh), các tài liệu ngân hàng nêu chi tiết những giao dịch trị giá 2 nghìn tỉ USD đã được chuyển cho Buzzfeed News và chia sẻ với Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Sau đó, tổ chức này đã cung cấp thông tin cho 108 cơ quan báo chí.

“Cuộc điều tra đặc biệt nhắm vào năm ngân hàng lớn, bao gồm JPMorgan Chase, HSBC, Standard Chartered, Deutsche Bank và Bank of New York Mellon. Những ngân hàng này bị cáo buộc liên tục chuyển tài sản của những cá nhân bị cáo buộc phạm tội, ngay cả khi những người này đã bị truy tố hoặc bị kết án gian lận tài chính”, tài liệu cho biết

Trong đó, HSBC là một trong số các ngân hàng quốc tế có tên xuất hiện nhiều nhất trong hàng nghìn trang tài liệu mật của Chính phủ Mỹ mang tên FinCEN.

Tài liệu cho thấy HSBC đã liên tục chuyển tiền đến các tài khoản ở Hong Kong (Trung Quốc) trong nhiều tháng, sau khi đã được cảnh báo về mô hình lừa đảo Ponzi trị giá 62 triệu bảng Anh.

HSBC cho biết trong một tuyên bố rằng "tất cả thông tin do ICIJ cung cấp đều là những tài liệu đã cũ. Ngân hàng cho biết bắt đầu từ năm 2012, HSBC bắt đầu một cuộc hành trình kéo dài nhiều năm để cải tiến khả năng chống tội phạm tài chính trên hơn 60 khu vực pháp lý.

Cùng với HSBC, các ngân hàng quốc tế khác cũng xuất hiện trong các tài liệu là JPMorgan, Deutsche Bank, Standard Chartered và Bank of New York Mellon.

Ngân hàng JP Morgan đã cho phép một công ty chuyển hơn 1 tỉ USD thông qua một tài khoản ở London mà không biết ai là chủ sở hữu. Sau này, họ mới phát hiện công ty trên thuộc sở hữu của một tên tội phạm nằm trong danh sách 10 đối tượng bị truy nã của FBI.

Trong số các hình thức giao dịch được báo cáo nhấn mạnh, JPMorgan thực hiện giao dịch các khoản tiền cho các cá nhân và công ty bị cáo buộc tham nhũng ở Venezuela, Ukraine và Malaysia.

Ngân hàng Deutsche Bank đã chuyển các khoản "tiền bẩn" của các đối tượng chuyên rửa tiền cho các tổ chức tội phạm, khủng bố và những kẻ buôn lậu ma tuý.

Ngân hàng Standard Chartered cũng đã chuyển tiền cho Arab Bank suốt hơn một thập niên sau khi các tài khoản của khách hàng tại một ngân hàng ở Jordan đã được dùng để tài trợ cho khủng bố.

Các tài liệu FinCEN chủ yếu là thông tin được các ngân hàng gửi cho các cơ quan chức năng Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2017. Một số tài liệu này được coi là “những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của hệ thống ngân hàng quốc tế”.

Trong một tuyên bố, cơ quan quản lý của Deutsche Bank cho biết họ đã “biết rõ” những tiết lộ trong cuộc điều tra của ICIJ. Ngân hàng cũng cho biết họ đã "đầu tư nguồn lực đáng kể để tăng cường kiểm soát cũng như tập trung vào việc đáp ứng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”.

Theo TTXVN