bộ trưởng đinh tiến dũng

Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành Luật thuế XNK (sửa đổi) là từ ngày 1/7/2016.

Nâng thẩm quyền ban hành biểu thuế

Theo tờ trình của Chính phủ, những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật sửa đổi lần này gồm 4 nhóm vấn đề chính. Đó là nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước, trong đó có bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan; sửa đổi về khung thuế suất theo các hiệp định quốc tế đã ký kết; sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa.

Thứ hai là sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế hiện hành. Nhóm vấn đề thứ ba là sửa đổi để phù hợp các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Và cuối cùng là nhóm vấn đề về đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đáng chú ý, dự thảo Luật đã nâng thẩm quyền ban hành biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu và biểu Khung thuế xuất khẩu. Để phù hợp với Hiến pháp 2013 (Điều 70), dự thảo Luật quy định theo hướng: Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng được quy định ngay trong Luật; Thủ tướng Chính phủ quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Dự thảo Luật thuế XNK sửa đổi gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương, cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung. Có 4 Điều (từ Điều 1 đến Điều 4);
- Chương II: Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế. Có 7 Điều (từ Điều 5 đến Điều 11);
- Chương III: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ. Có 4 Điều (từ Điều 12 đến Điều 15);
- Chương IV: Miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Có 4 Điều (từ Điều 16 đến Điều 19);
- Chương V: Điều khoản thi hành. Có 3 Điều (từ Điều 20 đến Điều 22).

Theo đó, Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu sẽ do Quốc hội ban hành, thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Luật hiện hành.

Việc nâng thẩm quyền quyết định ban hành các Biểu thuế cụ thể từ Bộ Tài chính lên Thủ tướng Chính phủ nhằm phù hợp với thực tế và yêu cầu mới; tạo ra sự ổn định cao hơn của Biểu thuế, phù hợp với xu hướng tham gia các FTA; khắc phục được hạn chế trong trường hợp còn những ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan liên quan, giữa các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh liên quan đến mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Tìm giải pháp cân đối ngân sách

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, trong thời gian qua, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam liên tục có sự điều chỉnh; đặc biệt việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với thuế nhập khẩu và một số sắc thuế nội địa quan trọng, có số thu NSNN lớn.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, trong giai đoạn vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn tiền thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật thuế XNK lần này nhằm đáp ứng được các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết. Theo đó dự kiến trong vòng 10 năm tới, mức độ tự do hóa thương mại sẽ rất cao, cắt giảm tới 97- 98% số dòng thuế.

Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK và thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, cần đánh giá một cách tổng thể các chính sách thuế tác động đến sản xuất kinh doanh trong nước và các giải pháp về quản lý thuế nhằm tăng thu NSNN; đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Về phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, dự thảo luật lần này đã bổ sung các quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ hiện đang được quy định tại 3 pháp lệnh (Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp và Pháp lệnh thuế tự vệ) là phù hợp, góp phần bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các pháp lệnh.

Đặc biệt, một số quy định chung mang tính định tính vừa tạo điều kiện tham gia và chủ động cho Việt Nam trong quyết định điều tra và đặt ra mức thuế chống phá giá, chống trợ cấp và thuế tự vệ nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

* Sáng cùng ngày, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi).

Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Đức Minh