Ngành Nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5-3%
Ngành nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5 - 3%. Ảnh: Minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2022 dù đối mặt với nhiều khó khăn song ngành này đã duy trì và đạt mức tăng trưởng đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn ước tăng 2,58% so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước năm 2022 đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt hơn 16.200 tỷ đồng, tăng hơn 2,7%; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 19.900 tỷ đồng, tăng gần 2,5%; giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng, tăng 1,9%.

Về cơ cấu, ngành đã có những chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 91,26%, lâm nghiệp 0,23%, thủy sản 8,51%.

Đến nay, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả về số lượng và chất lượng "Mỗi xã một sản phẩm" với 1.649 sản phẩm; trong đó, có 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về xây dựng nông thôn mới, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 3 huyện đăng ký hoàn thành trong năm 2022, gồm các huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức. Các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2022; hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quý I/2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023, ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 2,5 - 3%; phấn đấu tăng thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên.

Về định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, phát triển nông nghiệp Thủ đô sẽ có nhiều khó khăn, thách thức song cũng có những lợi thế. Vì vậy, Hà Nội cần có hướng đi riêng, phù hợp điều kiện phát triển của Thủ đô.

"Ngành Nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch" - ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phấn đấu có thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thành phố Hà Nội năm 2023. Kế hoạch nêu rõ, trong năm 2023, thành phố sẽ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP đến năm 2025 của thành phố và trung ương; tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp thành phố theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia. Đồng thời, phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; triển khai tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.