Nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.Thái

Đó là thông tin tại Hội thảo “Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện nâng cao sức khỏe nhân dân”, nhằm đề xuất chính sách sửa đổi Luật Thủ đô, do Bộ Tư pháp và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 14/10.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp huyện và cấp xã được đầu tư nâng cấp. Thành phố cũng đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh được hình thành gồm: 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình).

Báo cáo tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Hà Nội đề xuất chính sách “Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, mặc dù đạt kết quả tốt nhưng hệ thống y tế của Hà Nội những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến; chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến thành phố. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu và chưa thực sự bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu thốn, nhiều nơi đã xuống cấp...

Nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao. Ảnh: TL

Góp ý, thảo luận tại hội thảo, Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Việt Anh (Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội) đề xuất, trong lộ trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), rất cần thiết nghiên cứu một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình. Trong đó, việc huy động sự tham gia của các đơn vị y tế ngoài công lập hiện cũng đang sở hữu một số lượng nhân sự y tế lành nghề khá dồi dào. Chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng được một môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng với các nhân viên y tế để giúp họ toàn tâm toàn ý tham gia trong chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19.

Còn PGS-TS Phạm Thị Bích Đào (Trường Đại học Y Hà Nội - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phải phù hợp nhằm duy trì đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sỹ làm việc cho cơ sở y tế tư nhân, kết nối và bổ trợ với hệ thống y tế hiện hành. Xây dựng, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, đảm bảo điều kiện 100% người dân Thủ đô được khám sức khỏe định kỳ hằng năm...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được TP. Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện.

Trong các chính sách đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách phát triển hệ thống y tế Thủ đô hết sức quan trọng, tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hà Nội mong muốn các ý kiến đề xuất, đưa ra được chính sách ưu việt, vượt trội, có tính khả thi trong thực tiễn để đưa vào luật, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại…