Hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Những năm gần đây, bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều DN trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường, như: Nafoods, Đồng Giao, Dabaco, Masan, Vinamilk, Ba Huân… Đến nay, hệ thống DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn DN, bao gồm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó, khoảng 10.200 DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm 2022, cả nước đã thành lập mới 456 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng tổng số lên 77 liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 18.500 HTX nông nghiệp… Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đặc biệt, theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí, thương hiệu trên thị trường quốc tế như: Xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%; cà phê đứng thứ hai thế giới, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; rau quả đạt 1,47 tỷ USD; thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%.

Rõ ràng, việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của đất nước nông nghiệp và đặc biệt hơn, góp phần chuyển dịch nhanh hơn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, hướng tới phát triển nông thôn bền vững.

Mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh

Khẳng định nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, khi những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại dịch Covid-19 vừa qua là dẫn chứng sinh động về sự linh hoạt và chủ động của ngành trong tình hình mới. Chính vì vậy, để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết.

5 tháng đầu năm 2022, cả nước đã thành lập mới 456 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng tổng số lên 77 liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 18.500 HTX nông nghiệp… Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.

"Để tạo nên sự chuyển đổi mới mẻ mang tính dài hạn và bền vững, rất cần những tri thức mới, những quan điểm tiếp cận cấp tiến, những kinh nghiệm thực tiễn theo phương châm tư duy toàn cầu, hành động địa phương. Ý tưởng sáng kiến có thể xuất phát từ 1 người, nhưng để triển khai và thực tế cần sự chung sức đồng lòng của rất nhiều người cùng chia sẻ mục tiêu. Trong quá trình chuyển mình thay đổi tích cực, năng động, ngành Nông nghiệp không thể chỉ có một mình mà cần đến sự chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, của các tổ chức, cá nhân, các đối tác trong và ngoài nước" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân vào cuối tháng 5 tổ chức tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Trung ương sẽ ban hành các nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Các cấp, các ngành phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết này.

Từ ngòi bút đến trái tim

Luận đàm về nghề báo với ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng chia sẻ, đằng sau mỗi sản phẩm, tác phẩm báo chí không chỉ là dòng chữ, bản tin, khuôn hình mà là thông điệp, là câu chuyện, là cảm xúc,... Đặc điểm của báo chí không chỉ phục vụ một số ít người, mà mang tính chất xã hội rộng rãi. Người làm báo khắc hoạ cảm xúc xã hội, và ở chiều ngược lại, tác phẩm báo chí lại tạo ra và đôi khi định hướng cảm xúc xã hội…

Theo ông Lê Minh Hoan, con người chúng ta thường quan sát sự vật, hiện tượng thiên về hữu hình, điều dễ nhìn thấy, dễ diễn đạt. Trong khi ẩn dưới điều hữu hình là những yếu tố vô hình. Hữu hình thường hữu hạn. Vô hình thường không có giới hạn. Nông nghiệp có thể tích hợp các yếu tố vô hình để tăng thêm giá trị cho những kết quả, chỉ số hữu hình như năng suất, sản lượng? Và nhà báo không chỉ phản ánh, thông tin về những số liệu, mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp, mà còn có thể đào sâu, tìm kiếm, chạm đến những giá trị vô hình của tài nguyên bản địa, truyền thống văn hoá, lịch sử, tinh thần cố kết cộng đồng…

Ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, khi mỗi ngành hàng nông sản trở thành chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị đó có sự tham gia của nhiều “mắt xích”. Không một “mắt xích” nào có thể tồn tại riêng lẻ. Nếu vì bất kỳ nguyên nhân gì đó, một trong những “mắt xích” bị đứt gãy, thì chuỗi giá trị cũng sẽ bị đứt gãy. Khi ấy, giá trị ngành hàng không những không được tăng thêm, mà lại bị sụt giảm, thậm chí mất đi. Như vậy, khi viết về nông nghiệp, nhà báo không chỉ đưa tin, không chỉ phản ảnh hiện thực về những tồn tại, hiện tượng tiêu cực đây đó. Nhà báo biết cách khéo léo giữ lửa niềm tin cho những “mắt xích” tham gia chuỗi giá trị ngành hàng.

“Cảm xúc xuất phát từ trái tim, nhà báo tác nghiệp, hành nghề không chỉ dựa vào kiến thức, kỹ năng báo chí, truyền thông, mà cũng xuất phát từ trái tim. Ngòi bút chuyển tải những rung động của trái tim với nhiều cảm xúc tích cực. Khi ấy, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Động lực thôi thúc mỗi người làm báo xuất phát từ tiếng nói sâu thẳm của trái tim! Như lời tâm sự của một nhà báo nổi tiếng: “Tôi trở thành nhà báo để có thể tiến gần hơn đến trái tim của nhân loại” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.