Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí “cân” chỉ số

Trụ dẫn dắt thị trường là VIC bắt đầu suy yếu sau nhịp tăng mạnh ngắn hạn. Đây là mối lo lớn vì các cổ phiếu khác chưa đủ sức dẫn dắt trong bối cảnh thanh khoản quá thiếu hụt. Hôm nay thị trường cũng bộc lộ điểm yếu này, khi riêng VIC đã khuấy đảo cả xu hướng của VN-Index.

Buổi sáng VIC lình xình đi ngang và giảm không nhiều. Đó là điều tốt nhất VN-Index có thể chờ đợi. Chỉ số này cũng lình xình tăng nhẹ. Thế nhưng buổi chiều, VIC biến động lớn hơn và chỉ số bắt đầu loạng choạng.

Tâm điểm là một nhịp rơi cực mạnh của VIC, từ 1h tới 2h chiều. Giá sụt mạnh xuống dưới tham chiếu tới 3% khiến VN-Index gần như mất sạch điểm tăng, chỉ còn chưa tới +2 điểm. VN30-Index thậm chí còn sụt giảm gần 4 điểm. Đến cuối phiên VIC lại hồi lên chỉ còn giảm 0,75% mới làm nhẹ gánh nặng cho các mã còn lại để đưa VN-Index tăng 6,1 điểm.

Ngóng hàng T3, thị trường tăng dè dặt
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Hôm nay các blue-chips tăng giá khá nhiều, VN30 ghi nhận 19 mã tăng, nhưng ảnh hưởng lại không nhiều. Nhóm tăng chủ đủ giữ chỉ số không giảm, chứ gần như không kéo được. TPB tăng giá kịch trần nhưng vốn hóa quá nhỏ. GAS tăng 1,76% trở thành cổ phiếu lớn mạnh nhất.

Thực tế về mặt số lượng, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí là tăng tương đối rộng rãi. Trong 27 mã ngân hàng ở 3 sàn thì chỉ có BAB là giảm, TCB, SGB, ABB tham chiếu, còn lại là tăng. Thế nhưng nhóm tăng tốt nhất lại là các mã nhỏ, nên tập hợp nhiều cổ phiếu mới cân bằng lại được với nhóm giảm. Chẳng hạn ở HoSE, ngoài TPB chỉ có EIB, KLB, VIB, STB, SHB là tăng trên 2%. Dầu khí cũng vậy, ngoài GAS và PLX tăng, các mã khác như PVD gần như không có tác động gì đến chỉ số hay thị trường chung.

Số lượng cổ phiếu tăng giá trên sàn HoSE phiên này là 207, số giảm là 222. Câu chuyện phân hóa tăng giảm này quan trọng hơn con số, vì nó thể hiện sự gia tăng của sức ép bán ra. Ngay trong nhóm blue-chips, hàng loạt cổ phiếu đảo chiều từ đỉnh cao như GVR, POW, HDB, VPB... Áp lực bán ra đã xuất hiện ở vùng giá cao.

Thử thách T3

Phiên hôm nay lượng cổ phiếu bắt đáy thấp nhất vẫn chưa về tài khoản. Tuy nhiên cũng có những cổ phiếu đã lãi T4 hoặc hòa vốn. Áp lực bán xuất hiện ở thời điểm giá bật mạnh cho thấy bắt đầu có tâm lý muốn thoát hàng.

Thực ra hiện tượng xả nhanh T3, T4 là điều thường thấy của những phiên hàng bắt đáy về tài khoản. Việc mua bắt đáy có rủi ro cao nên thường những nhà đầu tư có sẵn hàng hoặc mua tỷ trọng thăm dò sẽ cân nhắc bán ra. Thị trường chưa rõ đã chạm đáy hay chưa, nên luôn có một bộ phận nhà đầu cơ lướt sóng giao dịch ngắn hạn.

Thanh khoản thị trường giảm cũng là một tín hiệu của nhà đầu tư chờ đợi các diễn biến ngắn hạn. Mua bắt đáy thậm chí dễ ra quyết định hơn cả việc mua đuổi giá. Có thể thấy hai phiên tăng vừa qua thanh khoản đã xuống mức thấp. Giao dịch đang từ mức 33 - 34 ngàn tỷ đồng hai sàn, tụt xuống 22 - 23 ngàn tỷ. Mức thanh khoản thiếu hụt này chính là của những nhà đầu tư tạm chờ đợi ở nhịp tăng mà sẽ quay lại ở nhịp giảm.

Thử thách T3 cũng giúp tìm kiếm tín hiệu thị trường tạo đáy thật sự. Những nhà đầu tư kỳ vọng lớn sẽ bán ra ít hoặc mua trở lại ngay. Dòng tiền cần bị thuyết phục rằng, đây là cơ hội mua tốt nhất và những người cầm cổ phiếu đã không còn chịu sức ép cắt lỗ thêm nữa.

Ngóng hàng T3, thị trường tăng dè dặt

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.052 tỷ đồng (+2%)

732 triệu (+6%)

3.154 tỷ đồng (+7%)

121,2 triệu (+16%)