tuyen sinh

Ảnh minh họa

Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP. HCM, năm 2018, trường dự kiến tuyển 3.205 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH 2.995 chỉ tiêu, bậc cao đẳng (CĐ) 210 chỉ tiêu, giảm gần 150 chỉ tiêu ở cả 2 bậc.

Điều kiện chung nhận hồ sơ xét tuyển của trường là thí sinh tốt nghiệp THPT, có trung bình cộng 3 năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,5 trở lên đối với xét tuyển trình độ đại học.

Ngoài các phương thức tuyển sinh xét theo kết quả thi THPT quốc gia, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuyển học sinh các trường THPT chuyên và năng khiếu, trường dự kiến có thêm phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM.

Điểm chuẩn trúng tuyển thống nhất chung cho từng ngành/nhóm ngành tuyển sinh, không phân biệt tổ hợp môn/bài thi xét tuyển. Nếu các thí sinh có cùng điểm tổng, thứ tự ưu tiên xét tuyển sẽ được xác định theo thứ tự ưu tiên của các môn/bài thi. Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM cũng vừa công bố kế hoạch tuyển sinh dự kiến. Năm 2018. trường có 35 ngành, trong đó có 14 ngành có tuyển sinh chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh.

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức, trong đó 72% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2018; 3% để tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển học sinh theo quy định Bộ GD&ĐT; 15% chỉ tiêu dành cho ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên và năng khiếu, học sinh các trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất trong 3 năm qua. Ngoài ra, dành 10% chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức.

Tuy nhiên, hiện tại, việc tuyển sinh theo đề án đánh giá năng lực của Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa chưa được xác định chính thức do đề án tuyển sinh theo đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM chưa được Hội đồng tuyển sinh ĐHQG TP. HCM thông qua.

Còn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu bậc ĐH và 500 chỉ tiêu bậc CĐ. Ngoài các ngành đã có, năm nay trường có một ngành mới là Khoa học chế biến món ăn. Ngoài ra, Trường sẽ xét tuyển bổ sung thêm các khối D07, D09, D10, D11.

Trường ĐH Kinh tế TP. HCM trong năm 2018 cũng có một số thay đổi về phương thức tuyển sinh. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh riêng tất cả các ngành thay vì tuyển sinh theo nhóm ngành như trước và các ngành sẽ được xác định điểm chuẩn riêng.

Bên cạnh đó, theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, Trường cũng tuyển sinh riêng cho chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế trình độ ĐH hệ chính quy, với 2 phương thức xét tuyển là theo kết quả học tập ở cấp THPT và xét theo kết quả thi THPT quốc gia 2018. Thí sinh được đăng ký xét tuyển riêng cho 2 chương trình này, trường sẽ có chỉ tiêu tuyển sinh và mã đăng ký xét tuyển riêng.

TS. Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết năm 2018, Trường có thêm chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh tiểu học (bậc ĐH). Những năm trước, danh mục mã ngành cấp 4 không có ngành này ở cả bậc ĐH và CĐ, dù đây là ngành đang có nhu cầu rất lớn.

Dù vậy, quy định mã ngành mới chỉ có một mã ngành sư phạm Tiếng Anh, buộc trường phải chia thành 3 chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh dành cho bậc THPT, THCS và tiểu học. Thí sinh sẽ được xét tuyển vào chuyên ngành ngay từ đầu, không phải học một thời gian mới phân chuyên ngành như trước đây.

Theo ông Võ Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc TP. HCM, Trường đã được Bộ GD&ĐT cấp phép tuyển sinh thêm 2 ngành mới trong năm 2018 gồm Mỹ thuật đô thị và Quản lý xây dựng. Trong đó, Mỹ thuật đô thị là ngành rất mới, lần đầu tiên được tổ chức đào tạo tại Việt Nam trình độ ĐH.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM sẽ tuyển sinh thêm 6 ngành mới trong năm nay gồm: Sư phạm công nghệ, Quản lý xây dựng, Kiến trúc, Kỹ thuật đồ họa, Năng lượng tái tạo, Quản lý nhà hàng ẩm thực. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi ngành sẽ tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Trong đó, riêng ngành sư phạm công nghệ sẽ tuyển sinh theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, đào tạo giáo viên công nghệ phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, cho biết Trường đã hoàn thành thủ tục mở ngành Quản lý công (xét tuyển theo các tổ hợp: Toán, Vật lý, Hóa học; Toán, Vật lý, Tiếng Anh; Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; Toán, Tiếng Anh, Khoa học xã hội). “Ngành này đã được đào tạo từ lâu bậc sau ĐH nhưng là ngành mới lần đầu tiên có mã ngành riêng ở bậc ĐH”, ông Đương nói. Ngoài ra, hội đồng khoa học các khoa đang tính toán mở thêm các ngành và chuyên ngành khác như chuyên ngành Tài chính quốc tế.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM cũng có văn bản gửi Bộ cho phép nâng cấp 3 chuyên ngành cũ thành 3 mã ngành đào tạo bậc ĐH gồm: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật ô tô.

Trường ĐH Công nghệ TP. HCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới: Ngôn ngữ Hàn Quốc và Việt Nam học. Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP. HCM dự kiến tuyển sinh thêm ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Công nghệ truyền thông, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Trường ĐH Quốc tế dự kiến mở thêm 3 ngành: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật hóa học và Kỹ thuật cơ khí. Trường ĐH Văn hóa TP. HCM dự kiến mở thêm 3 ngành mới gồm: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Đối với Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, thí sinh cần lưu ý việc trường này điều chỉnh một số tên và mã ngành theo quy định mới của Bộ GD&ĐT như Lâm nghiệp, Bản đồ học, Kỹ thuật cơ khí. Tương tự, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM) cũng đổi tên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thành ngành Du lịch./.

Theo Chinhphu.vn