Những sai phạm trong lĩnh vực bảo quản sẽ bị xử phạt. Ảnh Phương Mai

Thêm người có thẩm quyền xử phạt

Nghị định số 25/2007/NĐ-CP ngày 25/2/2007 (Nghị định 25) quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), trong quá trình thực hiện, Nghị định 25 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia sắp được ban hành được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giúp ngành DTNN xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này.

Ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

Theo Nghị định 25, chỉ thanh tra viên thuộc Bộ Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, chủ tịch UBND (cấp) tỉnh mới có thẩm quyền xử phạt. Trên thực tế, sự “bó hẹp” người có thẩm quyền xử phạt, nên nhiều hành vi không được xử lý và ngăn chặn kịp thời.

Một số hành vi vi phạm còn trùng lắp với những nghị định khác. Việc trùng lắp này đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, một số nội dung của Nghị định 25 chưa phù hợp, không thống nhất với các quy định của Luật DTQG.

Ngoài ra, Luật xử lý VPHC còn quy định, các cá nhân có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực DTQG như: Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, cục trưởng cục DTNN khu vực, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành về DTQG (Điều 46). Thẩm quyển của những chức danh này chưa được nêu trong Nghị định 25.

Mức xử phạt tiền tối đa đối với các VPHC đã được giới hạn lại theo quy định của Luật xử lý VPHC. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến mức phạt tiền tại Nghị định 25...

Buộc khắc phục hậu quả

Theo ông Bùi Tuấn Minh, một trong những điểm mới trong xử phạt VPHC là: Bổ sung quy định việc xử phạt hành vi can thiệp trái pháp luật trong hoạt động DTQG; tự ý thay đổi giá mua, bán hàng DTQG để trục lợi; thuê tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện bảo quản hàng DTQG … cho phù hợp (với quy định tại Điều 22, Luật DTQG).

Đối với các hành vi: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về phương thức mua, bán đối với từng loại hàng DTQG; mua, bán hàng DTQG khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tiếp tục mua, bán hàng DTQG khi thời hạn về mua, bán hàng DTQG đã hết hiệu lực thì mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.

Tổ chức, cá nhân ngoài hình thức phạt tiền, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nữa là bổ sung hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể: bổ sung 6 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC (hoặc số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm); buộc thu hồi hàng DTQG do điều chuyển, xuất cấp không đúng quy định; buộc thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời, thời hạn bảo quản hàng DTQG; buộc bảo quản hàng DTQG đúng các địa điểm đã được quy định; buộc khôi phục lại nguyên trạng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài sản; buộc hoàn trả hàng bị thất thoát, sử dụng không đúng mục đích hoặc cấp phát không đúng đối tượng.

Đặc biệt, dự thảo bỏ một số quy định tại Nghị định 25 để đảm bảo nguyên tắc thống nhất và tránh trùng lắp của hệ thống pháp luật như: Quy định về khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm; trách nhiệm phối hợp xử phạt; những trường hợp không xử phạt; chấp hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự…

Ông Minh cũng cho rằng, dự thảo nghị định đã quy định đầy đủ và chi tiết cả về đối tượng, hành vi vi phạm và mức xử phạt cho từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, qua một số cuộc trao đổi do Bộ Tài chính tổ chức để lấy ý kiến tham gia trực tiếp cho dự thảo, vẫn còn một số bất cập. Ví dụ như trong quy định về việc nếu không thực hiện được kế hoạch bán luân phiên đổi hàng DTQG thì sẽ bị phạt, tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính duyệt giá bán cao, trong khi thực tế giá thị trường thấp hơn thì không thể bán được.

"Trường hợp này, nếu không bán được thì biết phạt đơn vị nào? Đơn vị chuẩn bị phương án giá hay đơn vị thực hiện ? Hoặc tài sản công, liên quan tới DTQG, có điều khoản quy định, nếu không cải tạo, sửa chữa những thiết bị tài sản công theo kế hoạch, theo định kỳ quy định thì bị xử phạt, theo tôi đây cũng là một quy định chưa phù hợp cần chỉnh sửa", ông Bùi Tuấn Minh nêu ý kiến./.

Hồng Sâm