Giá xăng dầu đã giảm mạnh

Tại kỳ điều hành chiều 25/11, giá xăng dầu giảm mạnh sau 5 lần tăng liên tiếp. Đợt “hạ nhiệt” giảm giá xăng dầu trong nước cùng nhịp với biến động theo đà giảm của giá thế giới. Còn nhớ ở thời điểm tăng mạnh, giá dầu ở mức trên mốc 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lên 83,87 USD/thùng, là mức cao nhất trong 7 năm qua. Vào lúc giá xăng dầu tăng cao, dự báo, giá dầu Brent sẽ cán mốc 100 USD/thùng trước khi kết thúc năm 2021, thậm chí có dự báo mặt hàng “vàng đen” này có thể lên ngưỡng 200 USD/thùng.

Nhiều mặt hàng thiết yếu dần “hạ nhiệt”

Dù diễn biến trồi sụt, nhưng giá dầu thế giới đang ở giai đoạn tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu đang rất lạc quan. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong nước sau đại dịch.

Ở trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã tăng liên tục trong những lần điều chỉnh gần đây. Giá xăng RON95 trước kỳ điều chỉnh ngày 25/11 đã lên gần 25.000 đồng/lít. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Với mức giảm mạnh, hơn 1.000 đồng/lít xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh vừa qua sẽ góp phần làm giảm giá nhiều mặt hàng có liên quan, hỗ trợ điều hành lạm phát.

Dầu thô sẽ giảm giá thời gian tới?

Trong khi nguồn cung được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới, giá xăng dầu trong phiên giao dịch trong vài ngày qua tiếp tục giảm mạnh. Những phiên giao dịch gần đây, giá dầu thế giới ở dưới mốc 80 USD/thùng.

Theo dự báo áp lực giảm giá đối với dầu thô càng lớn hơn khi cả OPEC và IEA đều đưa nhận định, thị trường dầu thô sẽ chuyển từ trạng thái hụt cung sang dư cung vào đầu năm 2022. Sự sụt giảm nhu cầu dầu thô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, buộc nhiều nước phải tái thiết lập các biện pháp phòng dịch, hạn chế đi lại được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Giới chuyên gia nhận định, ngoài nguyên nhân làn sóng Covid-19 mới gia tăng ở châu Âu đe dọa làm chậm sự phục hồi kinh tế, thì giá USD tăng "chóng mặt" trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu thu hẹp gói nới lỏng định lượng từ tháng 11, cũng đang tạo sức ép giảm giá dầu thô.

Bên cạnh sự biến động tăng của mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế, thì mặt hàng thiết yếu là rau xanh tại một số địa phương thời gian qua cũng tăng chóng mặt. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội giá các loại rau củ quả tăng mạnh. Nhiều loại rau ăn lá đều có mức tăng cao, do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài. Đến thời điểm này, giá rau xanh tại Hà Nội đã dần hạ, tuy nhiên vẫn đứng ở mức cao, như cà chua: 40.000 đồng/kg; rau muống: 25.000 đồng/mớ; cải cúc từ 5.000 - 10.000 đồng/mớ…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khác với các loại rau, thời gian này các mặt hàng thịt lợn, thịt gà tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội giảm, đặc biệt mặt hàng thịt lợn. Việc giá lợn hơi giảm sâu nên giá thịt lợn tại một số chợ truyền thống hạ nhiệt. Tại các chợ truyền thống nếu như trước đây, giá thịt lợn trung bình từ 160.000 - 180.000 đồng/kg thì hiện chỉ từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg, loại ngon là 150.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn giảm là do giá lợn hơi giảm. Thời gian qua giá lợn hơi tại Hà Nội liên tục giảm. Nếu so với tháng 3 và 4/2021, giá lợn hơi hiện giảm từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, giá bình quân dao động từ 40.000 - 49.000 đồng/kg, tùy từng vùng. Đặc biệt tại một số địa phương do bị ảnh hưởng lệnh giãn cách xã hội, giá lợn hơi xuống mức dưới 40.000 đồng/kg, ước tính lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.

Phải có chiến lược kiểm soát tốt giá xăng dầu

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), những lo ngại về xu hướng tăng giá xăng dầu là do nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch Covid-19, đang trong quá trình mở cửa và phục hồi nên nhu cầu đi lại, sản xuất tăng cao. Chính vì vậy, giá xăng dầu thế giới được dự báo là sẽ khó giảm mạnh, trong khi đây là yếu tố quan trọng tác động tới giá xăng dầu trong nước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở nhiều nước khiến nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trong quá trình phục hồi kinh tế, nên dự báo thời gian tới, giá dầu vẫn đứng ở mức cao. Tuy vậy, giá dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố như cung - cầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có giảm bớt sản lượng và lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng hay giảm.

Theo ông, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác sẽ tăng. Vị chuyên gia này nhận định: “Năm nay, 3/4 chặng đường chúng ta đã đi qua và cơ bản kiểm soát tốt lạm phát, chỉ còn 3 tháng cuối năm, mà những tháng này đang bị tác động bởi giá xăng dầu. Theo nhiều dự báo, giá dầu thế giới có thể chạm mốc 100 USD/thùng, nhưng theo tôi, điều này rất khó xảy ra vì nhu cầu sử dụng đang không ổn định do các nền kinh tế chưa khôi phục mạnh”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, để kiểm soát lạm phát tốt trong thời gian tới thì chúng ta nên có chính sách, chiến lược kiểm soát tốt giá xăng dầu. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên quá lo ngại. Nguy cơ lạm phát hiện nay không đáng kể vì vòng luân chuyển của tiền rất thấp. Thế nên, cả kể giá xăng dầu và một số mặt hàng tăng trong thời gian qua nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp.

Điều hành giá linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp

Giá thịt lợn giảm hiện nay kéo theo những lo lắng về nguy cơ giá lại tăng vào thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới do thiếu thịt lợn cục bộ. Bởi vì, do giá rớt sâu nên nhiều hộ dân không quay vòng tái đàn. Nếu như quay vòng tái đàn gà công nghiệp thì chỉ cần khoảng trên dưới 40 ngày, còn quay trở lại tái đàn lợn thì phải mất khoảng thời gian 6 tháng mới có lợn thương phẩm xuất bán ra thị trường.

Đối với giá xăng dầu, vẫn là nỗi lo thường trực khi giá trong nước phụ thuộc vào giá thế giới. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới liên tục biến động. Nhìn lại xa hơn, vào tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, OPEC+ đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày và sẽ khôi phục dần nguồn cung cho đến tháng 4/2022. Quyết định này đã thấy ngay hậu quả, theo đó đẩy giá dầu tăng hơn 50% kể từ đầu năm nay.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Nhà nước cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều tiết mức tăng giá xăng dầu trong nước không đột biến như giá thế giới, từ đó làm giảm bớt phí đầu vào của doanh nghiệp. Về phía Bộ Công thương, đại diện cơ quan này khẳng định vẫn luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phối hợp với Bộ Tài chính phát huy hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo đại diện Bộ Công thương, bộ này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Nhìn theo hướng tích cực, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, giá xăng dầu tăng chưa gây nguy cơ lạm phát. mặc dù xăng dầu là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng, liên quan đến nhiều giá nhiều sản phẩm, dịch vụ khác. Theo vị chuyên gia này, giá dầu có thể tiếp tục tăng nhưng không tăng quá mạnh. Trong năm tới, nhiều người cũng kỳ vọng giá dầu sẽ giảm do kỳ vọng lạm phát không quá lớn. Ngoài ra, hiện nay, mức lạm phát không quá lớn là do việc kích cầu vẫn tương đối yếu, thứ hai là vòng quay của tiền còn chậm. Từ dự báo của ông, mức lạm phát trong năm nay sẽ khoảng 2,3 - 2,5%, vẫn trong ngưỡng mục tiêu dưới 4%.