Nguồn cung cho thị trường lao động còn nhiều khó khăn

Chia sẻ về thị trường lao động tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trước tác động tiêu cực của đại dịch, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, trong hai năm qua, cả hệ thống chính trị của nước ta đã chung tay vào cuộc. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, thị trường lao động, đặc biệt là nguồn cung vẫn đang đặt ra một số vấn đề.

Theo ông Lê Văn Thanh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực… nhưng những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động và còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đồ họa: Hồng Vân

Những vấn đề về nguồn cung lao động mà ông Lê Văn Thanh đề cập ở đây đó là chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Đơn cử, riêng trong quý I/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120 nghìn lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%. Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ do nhiều DN đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước dịch và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức. Bên cạnh đó, khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế…

6 nhóm giải pháp phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định

Trước thực trạng này và để khắc phục, các chuyên gia, diễn giả, nhà nghiên cứu chính sách tại diễn đàn đã kiến nghị 6 nhóm giải pháp phục vụ cho sự phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19. Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất là cần đổi mới tư duy, nhận thức về lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; coi trọng phát triển thị trường lao động là nền tảng trụ cột của nền kinh tế. Chú trọng cả nguồn cầu, nguồn cung, chất lượng nhân lực và đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định; phải có các biện pháp toàn diện cho thị trường lao động, tư duy quản trị lao động phải toàn diện gồm cả lao động chính thức và phi chính thức.

Nhóm giải pháp thứ hai, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động đảm bảo chất lượng, đồng bộ với hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và hoàn thiện thể chế về quan hệ cung cầu thị trường lao động, việc làm; hoàn thiện theo hướng đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật có liên quan trong quản lý lao động, việc làm nhằm phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân đã được ban hành

Trong 2 năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động và người dân đã được ban hành, trong đó phải kể đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân, người lao động và DN theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg (áp dụng trong năm 2020) và Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP (áp dụng trong gần một năm). Các chính sách này cùng với hai nhóm chính sách lớn khác về chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất...) và chính sách hỗ trợ tín dụng (hỗ trợ giải ngân, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất) đã phần nào hỗ trợ các DN duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, góp phần san sẻ những khó khăn cho người lao động.

Nhóm giải pháp thứ ba là đảm bảo sự tập trung, thống nhất, có sự phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về lao động trên cơ ở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Thứ tư là hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu báo cáo và chế độ báo cáo liên quan đến quản lý lao động, việc làm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư, an sinh xã hội… nhằm phát huy vai trò chủ trì và sự phối hợp của các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin. Thứ năm là tăng cường các biện pháp đảm bảo môi trường an toàn vệ sinh lao động. Nhóm giải pháp thứ sáu là hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội… phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động.

‘‘Các giải pháp kiến nghị này sẽ được tổng hợp, đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia; xây dựng thị trường lao động lành mạnh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…’’ - ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, đại dịch Covid-19 mặc dù được kiểm soát nhưng hệ lụy là rất lớn và còn kéo dài; xung đột địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới gây nên đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm suy giảm tổng cung, tăng mức giá của nhiều loại hàng hóa, vật tư, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia và khu vực... Các yếu tố trên đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thị trường lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Cụ thể, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 56 triệu người ở quý IV/2019 xuống còn 50,7 triệu người quý IV/2021 (giảm 5,3 triệu người), quý III/2021 giảm mạnh nhất chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với quý IV/2020.

Kế đến, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, từ 1,22% quý IV/2019 lên 4,46% quý III/2021, tức hơn 1,8 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đạt đỉnh cao nhất 3,98% vào quý III/2021 (hơn 1,7 triệu người); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%.

Tiếp nữa là sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành và vùng miền bị đảo chiều, cụ thể ở quý III/2021 việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên và việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ giảm xuống; khoảng 1,3 triệu lao động lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Trong khi đó, tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, với thu nhập bình quân tháng từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng.

‘‘Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của người lao động, đặc biệt lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thêm. Quan hệ lao động cũng bị xáo trộn, nhiều tiêu chuẩn lao động đã không được thực thi đầy đủ cả từ phía người sử dụng lao động và người lao động, nhiều lao động thiết lập được quan hệ lao động ổn định trong nhiều năm chuyển sang thiếu ổn định…’’ – Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.