Cán bộ Hải quan Bắc Ninh hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: HẢI ANH

Cán bộ Hải quan Bắc Ninh hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: HẢI ANH

năm 2018, ngành Hải quan đặt mục tiêu phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu (XNK), đem lại hiệu quả thiết thực giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN).

DN phản hồi tích cực

Ông Thành cho hay, thời gian qua việc triển khai DVCTT đã được ngành Hải quan triển khai mạnh mẽ. Ngày 1/3/2017, Tổng cục Hải quan đã chính thức vận hành Hệ thống DVCTT, mở rộng cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 cho 46 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Trên thực tế, từ năm 2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai thành công hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), cung cấp DVCTT ở mức độ 4 đối với những thủ tục hải quan cốt lõi trong thông quan hàng hóa. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) cốt lõi trong lĩnh vực hải quan về thông quan hàng hóa đã được tự động hóa; 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN XNK tham gia.

“Điều quan trọng là nỗ lực triển khai DVCTT của cơ quan hải quan đã giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC được cộng đồng DN XNK ghi nhận…”, ông Thành chia sẻ.

Phản hồi về DVCTT hải quan, đại diện Công ty TNHH Tea Kwang Hà Nội chia sẻ, trước đây khi làm TTHC liên quan đến hải quan, DN phải in một bộ hồ sơ giấy, sau đó đem đến nộp cho cán bộ hải quan và đợi phân loại hồ sơ. Từ khi có DVCTT, cán bộ làm thủ tục liên quan đến hải quan của DN chỉ cần đăng nhập vào internet và sau "vài lần click chuột" là có thể gửi được hồ sơ ngay ở công ty. Nếu trong hồ sơ có file nào thiếu hay chưa chuẩn, sẽ có cán bộ hải quan phản hồi lại ngay trên cổng thông tin. Theo đó, cán bộ công ty có thể cập nhật kịp thời tình trạng hồ sơ trên cổng internet đang được xử lý đến đâu. Nhờ vậy, DN tiết giảm được thời gian, chi phí rất nhiều…

Ông Trần Đình Nam - Giám đốc Công ty cổ phần XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh cũng cho hay, tham gia dịch vụ công trực tuyến, công ty giảm đến mức thấp nhất thời gian và chi phí vì nộp hồ sơ trực tiếp qua mạng cho cơ quan hải quan. Hồ sơ có thể nộp ở bất cứ nơi nào, bằng các thiết bị di động hoặc máy tính cá nhân và theo dõi được tình trạng hồ sơ mọi lúc, mọi nơi, nhận được ngay thông báo khi có kết quả.

94% thủ tục hải quan thực hiện qua DVCTT

Để nâng cao hiệu quả phục vụ DN, từ ngày 1/2/2018, ngành Hải quan đã chính thức triển khai thêm 42 TTHC trên hệ thống DVCTT tại địa chỉ https://pus.customs.gov.vn; nâng số DVCTT được cung cấp tối thiểu mức độ 3 qua các hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan lên 168/178 TTHC (gồm: VNACCS/VCIS, Cổng thanh toán điện tử, Cơ chế một cửa quốc gia và hệ thống DVCTT), đạt tỷ lệ 94%. Hệ thống DVCTT hải quan đã tiếp nhận, xử lý 81.500 hồ sơ TTHC của hơn 12.500 cá nhân và DN.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố có số lượng thủ tục giải quyết lớn và đạt kết quả tích cực là Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…

Đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cho biết thêm, trong năm 2018, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục “phủ sóng” các TTHC được cung cấp trên hệ thống DVCTT; phấn đấu gia tăng tiện ích của hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo thuận lợi nhất cho người khai hải quan, người nộp thuế.

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan tiếp tục được hoàn thiện, cung cấp nhiều thông tin, hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện DVCTT như tra cứu biểu thuế, mã số HS (mã số hàng hóa); đăng ký DN sử dụng chữ ký số, tư vấn, hỗ trợ chính sách pháp luật hải quan...

Với số lượng DVCTT mức 3 và mức 4 được cung cấp như hiện nay, cơ quan hải quan đã tạo nhiều thuận lợi cho DN, giảm được thời gian, chi phí giấy tờ. DN có thể khai báo các TTHC liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục đối với phương tiện vận tải và nhận được kết quả phản hồi của cơ quan hải quan trên mạng internet với tốc độ xử lý nhanh làm tăng khả năng cạnh tranh của DN. Đồng thời, việc cung cấp DVCTT được tăng cường cũng sẽ làm giảm sự tiếp xúc giữa DN với cán bộ công chức, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Năm 2018 ngành Hải quan phấn đấu triển khai thêm lên Hệ thống DVCTT các nghiệp vụ phát sinh trong quá trình tác nghiệp giữa cơ quan hải quan và người dân, DN. Đây là những nghiệp vụ đã được quy định trong các văn bản pháp quy nhưng chưa được nêu tên thành TTHC trong lĩnh vực hải quan. Ví dụ việc gia hạn quá cảnh hàng hóa; việc quản lý hạn ngạch tôn màu để thực hiện thuế tự vệ…

Hải Linh