Hướng tới mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025

Ngày 25/5, diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam Châu Á 2022 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA, kinh tế số đang có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu nói chung và ở nhiều quốc gia. Trước xu hướng này, nhiều quốc gia nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế số và ban hành các chiến lược phát triển của riêng mình từ rất sớm.

Theo số liệu của Google, Temasek, nền kinh tế Internet Việt Nam đạt trị giá 21 tỷ USD vào năm 2021 và đóng góp hơn 5% GDP cả nước. Các nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam hiện cao gấp 7 lần so với 2015 và dự kiến đạt hơn 57 tỷ USD vào 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thúc đẩy nền kinh tế Internet, nhất là các nền tảng chuyển đổi số.

Phát triển kinh tế số cần sự hợp lực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin
Diễn đàn thu hút được đông đảo đại biểu

Chủ tịch VINASA chia sẻ, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực dự báo khoảng 20%. Mục tiêu của Chính phủ là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, trong đó tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực phải đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, con số tương ứng là 30% GDP và tỷ trọng trong từng lĩnh vực là 20%. Đây là mục tiêu thách thức nhất là với những ngành truyền thống và cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả mọi đối tượng.

Tại phiên khai mạc, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao cơ hội của Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Theo ông David Wong - Chủ tịch ASOCIO, Châu Á chiếm 60% người dùng Internet toàn cầu và thương mại điện tử khu vực đã tăng gần gấp đôi. Chuyển đổi số đã thay đổi khu vực Châu Á và tạo ra hàng loạt các thế hệ mới. Việt Nam cũng đang trong vị thế chưa từng có để đón nhận được các cơ hội tuyệt vời khi có thế hệ mới tài năng, cũng như khát khao để hội nhập với thế giới.

Đánh giá cao thời cơ của Việt Nam, nhưng ông Chaicharearn Atibaedya Advisory (từ tổ chức ACIOA) cũng cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà còn ở sự quyết tâm và con người phải là trọng tâm của các hoạt động để hướng tới sự phồn vinh trong tương lai. Vị này cho hay, các doanh nghiệp tư nhân phải làm sao để có thể tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh, tạo ra các sản phẩm mới và có các cơ hội mới. Điều này cần vai trò dẫn dắt của các Chính phủ cùng các tổ chức như VINASA.

Doanh nghiệp sẽ tạo ra các nền tảng

Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ thêm, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức bởi làm sao để khai thác, liên thông dữ liệu, để dữ liệu không bị cát cứ để mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam. Để phát triển kinh tế số cần sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, nhưng cũng cần sự chung tay của các doanh nghiệp CNTT. "Chúng ta sẽ nỗ lực để phát triển các nền tảng, giải pháp có chất lượng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số" - ông Khoa nói.

Theo đó, các doanh nghiệp CNTT tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu các công nghệ mà chuyển đổi số sẽ áp dụng như AI, machine learning, Metaverse… Bởi chỉ có đầu tư chất xám thì mới có các sản phẩm công nghệ của người Việt Nam, dành cho doanh nghiệp Việt Nam, thay vì tiếp cận với công nghệ của nước ngoài.

Ngoài ra, ông Khoa cũng cho rằng, các doanh nghiệp CNTT cần tập trung nguồn lực để phát triển nhân lực chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT), câu chuyện chuyển đổi số quốc gia đã được Việt Nam tiếp cận từ khá sớm, ngay từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52, trong đó đã đề ra chủ trương chủ động tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ 4. Tiếp đó vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây có thể coi là bước khởi động quan trọng về nhận thức chuyển đổi số trên toàn quốc.

Trong năm 2021, việc Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” chính là “phát súng” để thực hiện chuyển đổi số từ cấp Chính phủ, cơ quan nhà nước, nhằm lan tỏa tinh thần này đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Có thể nói, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam ngay từ mặt chính sách đã được tiếp cận hết sức thận trọng, nhưng không bỏ lỡ thời cơ mà sự thay đổi này mang lại. Cần chú ý, đến thời điểm này, Việt Nam là một trong só 14 quốc gia trên thế giới đã có chiến lược quốc gia về kinh tế số - xã hội số.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, để chuyển đổi số thành công và thuận lợi thì Việt Nam rất cần một thể chế số và trong 2 năm trở lại đây thể chế số này đã được khởi động và hoàn thiện. Một trong những điển hình là việc triển khai sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là Luật Chuyển đổi số, bởi Luật này tác động đến mọi hoạt động giao dịch trên không gian mạng, nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của chuyển đổi số./.