Ùn ứ lớn xe vận chuyển nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị địa phương phối hợp điều tiết xuất khẩu
Ùn ứ xe vận chuyển nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị địa phương phối hợp điều tiết xuất khẩu. Ảnh: TL

Ùn ứ do Trung Quốc đang tăng cường phòng, chống dịch Covid-19

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam về việc phối hợp điều tiết xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid-19 đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc dẫn đến việc giảm tốc độ thông quan xuống còn 50% so với trước đây. Điều này gây ra ùn ứ rất lớn lượng xe vận chuyển nông sản tại các cửa khẩu và áp dụng các biện pháp kiểm tra Covid-19 trên bao bì hàng hóa, tăng cường việc kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc.

Tính từ thời điểm giữa tháng 11/2021 khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khảo sát các tỉnh biên giới, lượng xe container dồn ứ tại Lạng Sơn đã tăng từ 1.700 xe lên đến 4.000 xe.

Tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, năng lực thông quan giảm 50% so với trước đây, khoảng 220/ngày (trước 450 xe/ngày). Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình 500 xe/ngày. Riêng với hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít mất 10-14 ngày 1 xe mới được thông quan. Tại cửa khẩu Móng Cái, 1 ngày có 40 - 50 xe được thông quan (trung bình 1 tuần thông quan được 1 xe)...

Theo ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn khẳng định, năng lực thông quan xuất khẩu vẫn đáp ứng nhưng lượng xe hàng xuất sang rất chậm. Nguyên nhân do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Cần có phương án xử lý, bảo quản hàng tại địa phương

Dự báo thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuẩn bị dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 khi nhu cầu hàng nông sản, thủy sản tại Trung Quốc tăng cao, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các đơn vị báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan như: Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải,... thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có phương án xử lý và bảo quản hàng nông sản, thủy sản tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, thông báo cho các doanh nghiệp làm việc với đối tác nhập khẩu bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu để đảm bảo phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng rau quả, thuỷ sản xuất khẩu qua tuyến biên giới với Trung Quốc. Cùng đó, kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi hàng đưa lên cửa khẩu.

Trước hiện tượng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc các cửa khẩu ở Lạng Sơn (Quảng Ninh) bị ùn ứ thời gian gần đây là do chúng ta đang bị động. Để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình.

Ông Lê Minh Hoan Hoan cho biết, trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, bộ cũng sẽ dành kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.../.