thi trên máy

Theo phương thức thi mới, các thí sinh sẽ làm bài trên máy tính và máy sẽ chấm điểm ngay khi thí sinh làm bài xong. Ảnh: TL

Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về phương thức thi mới này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết vì sao Đại học Quốc gia Hà Nội lại quyết định đi đầu trong việc áp dụng cách thức mới vào công tác tuyển sinh?

TS. Nguyễn Kim Sơn: Tôi nghĩ rằng Kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra cũng là một phần trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung. Tuy nhiên việc đổi mới cho toàn bộ hệ thống giáo dục của đất nước cần có thời gian, theo lộ trình nhất định và cần cân nhắc tới nhiều phương diện.

Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học có sứ mệnh tiên phong trong hệ thống giáo dục có trách nhiệm phải tìm tòi, thí điểm để cung cấp cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho sự nghiệp đổi mới nói chung.

Thi hình thức mới này sẽ thúc đẩy học sinh phổ thông học tập một cách toàn diện. Việc tổ chức thi tuyển sinh tập trung theo các đợt 1 lần/năm như trước đây đối với hệ đại học vừa gây sức ép thi cử lên người học vừa tạo căng thẳng xã hội.

Hơn nữa, do khâu thi cử chỉ tập trung vào đánh giá kiến thức của một số môn nhất định nên quá trình đào tạo ở các cấp học dưới có xu hướng tập trung vào các môn thi cử, học lệch hay học tủ, vì vậy mục tiêu phát triển toàn diện thường không đạt. Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng tiên tiến, hiện đại là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay.

Nhận thức rõ điều này, chúng tôi đã có quá trình lâu dài nghiên cứu về khoa học kiểm tra, đánh giá. Và từ năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm làm phương thức tuyển sinh mới.

Đây là một bước tiến trong quá trình Đại học Quốc gia Hà Nội hội nhập với giáo dục quốc tế và tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học nước nhà.

PV: Vậy cụ thể kỳ thi năm nay sẽ được tiến hành như thế nào?

Phương thức tuyển sinh mới vào Đại học Quốc gia Hà Nội: 3 ưu điểm nổi bật
 Chúng tôi đổi mới tuyển sinh vừa để nhằm tuyển được người học phù hợp nhất để vào học các chương trình của ĐHQGHN, nhưng điều quan trọng hơn là khẳng định cho một triết lý giáo dục phát triển năng lực người học một cách toàn diện.        PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn
Phương thức tuyển sinh mới vào Đại học Quốc gia Hà Nội: 3 ưu điểm nổi bật

TS. Nguyễn Kim Sơn: Bắt đầu từ 2015, chúng tôi sẽ áp dụng phương thức thi đánh giá năng lực toàn diện đối với thí sinh. Với chủ trương thi và tuyển tách làm hai khâu độc lập, kết quả thi đánh giá năng lực sẽ là điều kiện để ứng viên nộp dự tuyển vào các chương trình đào tạo trong ĐHQGHN.

Với phương thức thi mới này, thay vì thi trên giấy, các thí sinh sẽ thi trên máy tính. Các em cũng sẽ không thi riêng lẻ từng môn mà làm một bài thi tổng hợp và tích hợp.

Mục tiêu nhằm đánh giá được các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy.

Máy tính sẽ chấm điểm ngay sau khi làm bài thi xong, thí sinh ký xác nhận điểm của mình rồi mới ra về. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực mà ứng viên nộp ứng tuyển, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xét tuyển điểm từ cao xuống thấp.

Năm nay, hai đợt thi của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 8. Các thí sinh có thể thi vào tháng 5 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chậm nhất 30/6 chúng tôi đã công bố ngưỡng trúng tuyển, lúc đó các em chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học.

Nếu thí sinh nào chưa đăng ký thi đợt một hoặc kết quả đợt 1 thấp có thể thi đợt 2 vào tháng 8. Kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị sử dụng để đăng ký dự tuyển vào Đại học quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.

Chúng tôi đã thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh mới cách đây mấy năm, và đã áp dụng thí điểm phương thức này cho 1.200 thí sinh dự thi vào các hệ đào tạo đặc biệt của Đại học Quốc gia Hà Nội vào hai ngày 10 và 11/9/2014.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về cấu trúc đề thi cho đông đảo thí sinh được biết?

TS. Nguyễn Kim Sơn: Những kiến thức chúng tôi nhắm tới là đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh. Bài thi bao gồm hai phần bắt buộc: Toán, Ngữ Văn và một phần thí sinh được tự chọn giữa Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tổng cộng cả bài thi có 140 câu hỏi, trong thời gian làm bài 195 phút.

Kiến thức bao quát trên nền tảng kiến thức cơ bản, không đánh đố thí sinh. Tỷ lệ các câu hỏi được phân chia như sau: 20% câu hỏi dễ, 60% câu hỏi trung bình, 20% câu hỏi khó để phân loại thí sinh. 70% kiến thức của đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Hiện chúng tôi đã có bộ đề mẫu trên website để cho thí sinh tham khảo.

PV: Theo ông, đâu là những điểm ưu điểm của phương thức thi mới so với phương thức truyền thống?

TS. Nguyễn Kim Sơn: Phương thức thi mới có 3 điểm quan trọng, đó là: Đánh giá được năng lực tổng hợp, đa dạng, cho phép tuyển người học phù hợp nhất cho đào tạo. Thi được tổ chức làm nhiều đợt, giảm áp lực căng thẳng cho thí sinh và xã hội. Thi thực hiện trên máy tính biết kết quả ngay, đảm bảo khách quan, công bằng chính xác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi 2 đợt/năm, đợt 1 sẽ kéo dài từ ngày 30–31/5/2015 (ngày 1 – 2/6 dự phòng); đợt 2 từ ngày 1 – 2/8/2015 (ngày 3 – 4/8 dự phòng). Các thí sinh có thể đăng ký dự thi qua mạng, qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc đến trực tiếp Đại học Quốc gia.

Hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội có trên 100 ngành cử nhân, trong đó có những ngành mới như Y, Dược, phạm vi chuyên môn rộng để tự do lựa chọn.

Kim Thanh