trang 6

Việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển trong những năm qua đã góp phần thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của nhà nước, cho đến nay hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ. Vì vậy, tới đây sẽ sàng lọc đối tượng vay bảo lãnh của Chính phủ.

Lãi suất Vốn ODA sẽ tăng

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, trong 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD, trong đó 1/3 cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương; 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của nhà nước.

Đánh giá về việc quản lý các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ, ông Hoàng Hải cho hay, trong các giai đoạn trước, nước ta còn nhiều khó khăn, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém, nhu cầu huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng theo các nghị quyết của Trung ương là rất lớn. Bên cạnh đó, khả năng tham gia đầu tư vào các lĩnh vực này của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế; trong khi Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, được các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á... và các nước song phương cung cấp nguồn vốn ODA với chi phí thấp và thời gian vay dài.

Việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển trong những năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi căn bản. Nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài được tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: Giao thông, cầu, cảng, hàng không, năng lượng, cấp thoát nước; môi trường, biến đổi khí hậu; vấn đề dân sinh, xóa đói, giảm nghèo...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay cũng đang đặt ra một số vấn đề: Đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập. Mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, thành phố lớn.

Đặc biệt, tính chất vay nước ngoài của Việt Nam đã có thay đổi khi ta đạt ngưỡng nước có thu nhập trung bình và sẽ dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB trong năm 2017 tới đây. Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Giám sát chặt chẽ việc trả nợ của doanh nghiệp

Ông Hoàng Hải cho biết, từ bối cảnh hiện nay và các tồn tại trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài thời gian qua đang đặt ra một số vấn đề cần có giải pháp theo hướng: Tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm; thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách nhà nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào bao cấp của nhà nước đối với nguồn vốn vay nước ngoài.

Chia sẻ gánh nặng nợ giữa ngân sách trung ương và địa phương thông qua cơ chế cho vay lại đến chính quyền địa phương. Đối với các lĩnh vực, các dự án có khả năng hoàn vốn và có khả năng huy động từ các thành phần kinh tế thì phải từng bước chuyển sang cơ chế thị trường thông qua cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro.

Trong thời gian qua, để tăng cường quản lý, giám sát và siết chặt quản lý bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiên cứu, ban hành, sửa đổi bổ sung các chính sách có liên quan tới cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, cụ thể là sửa đổi Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh. Theo đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP trong đó bổ sung các quy định nhằm sàng lọc đối tượng cấp bảo lãnh, giảm dần mức độ bảo lãnh của Chính phủ, các biện pháp kỹ thuật và chế tài để quản lý chặt chẽ các khoản bảo lãnh chính phủ.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg về Danh mục các chương trình, dự án được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh chính phủ theo hướng ưu tiên các dự án cấp bách, trọng điểm. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng danh mục các dự án được ưu tiên cấp bảo lãnh chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo ông Hoàng Hải, từ năm 2015, Bộ Tài chính đã thực hiện các biện pháp để giảm dần việc cấp bảo lãnh chính phủ thông qua việc thẩm định chặt chẽ ngay từ khâu đề xuất phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh đối với một số dự án có rủi ro cao.

Bộ Tài chính thực hiện phân loại nợ được Chính phủ bảo lãnh và có các giải pháp với từng nhóm nợ để có biện pháp xử lý. Đối với các dự án đang gặp khó khăn về trả nợ, Bộ Tài chính đã đánh giá, phân nhóm, chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp đôn đốc trả nợ, hỗ trợ tái cơ cấu (đàm phán với chủ nợ, tái cơ cấu tài chính hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp), giám sát chặt chẽ việc trả nợ của doanh nghiệp đối với từng kỳ trả nợ (Xi măng Đồng Bành, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Tam Điệp, Xi măng Sông Thao, Giấy Phương Nam). Nhờ đó, một số dự án đã phục hồi sản xuất và đang trở lại trả nợ bình thường (Xi măng Tam Điệp, Xi măng Đồng Bành).

Đồng thời Bộ Tài chính đã đôn đốc, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trả nợ trước hạn các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh khi có điều kiện thuận lợi để giảm dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Trong năm 2015 - 2016, đã có 5 dự án thực hiện trả nợ trước hạn với dư nợ vay hơn 130 triệu USD. Bên cạnh đó, đôn đốc, tích cực thực hiện việc quản lý tài sản bảo đảm cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Trong 2 năm 2015 - 2016, Bộ Tài chính đã tổ chức 10 đoàn giám sát thực địa, kiểm tra dự án được Chính phủ bảo lãnh đối với 15 dự án, là các dự án có trị giá bảo lãnh lớn (cụm Nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Nhiệt điện Vũng Áng 1), các dự án do doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần làm chủ đầu tư (Thủy điện Sông Bạc), Nhiệt điện hoặc dự án đang gặp khó khăn về trả nợ.

Nguồn: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại

Đức Minh