Quan trọng là đối tượng, cách thức triển khai

Việc tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh
còn quan trọng hơn hỗ trợ bằng tiền.

PV: Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Ông đánh giá thế nào về mức lạm phát thấp này trong khi giá cả nhiều mặt hàng tăng cao?

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Tổng cầu giảm thì lạm phát thấp là không tránh được. Việt Nam đang rơi vào tình trạng “trì lạm”, phát triển trì trệ, giá cả ở mức cao. Đây không phải là hiện tượng bình thường. Mức lạm phát thấp tháng này cho thấy tổng cầu đang yếu. Đáng lẽ mức lạm phát có thể thấp hơn, nhưng do giá nguyên liệu bên ngoài tăng cao nên đã kéo lại, nếu không thậm chí lạm phát có thể âm.

Quan trọng là đối tượng, cách thức triển khai
PGS.TS Vũ Sỹ Cường

PV: Nhìn từ diễn biến giá cả này, ông dự báo lạm phát cuối năm ra sao? Liệu có đáng lo về tốc độ phục hồi kinh tế?

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Lạm phát phụ thuộc vào 2 yếu tố là cầu kéo và chi phí đẩy. Mặc dù giá nhiều mặt hàng tăng, nhưng cầu thấp thì lạm phát sẽ khó cao trừ khi có cú sốc bất thường. Nhưng với tình hình hiện nay, điều này khó xảy ra, sức cầu hiện tại cũng khó có khả năng tăng cao hơn trong ngắn hạn.

Về tốc độ hồi phục kinh tế, vấn đề quan trọng là mọi thứ đình trệ không phải do sản xuất kém, hay không có tiền đầu tư mà chính là do dịch bệnh. Chúng ta mới chỉ mở cửa cầm chừng, ngắt quãng, chưa phải trở lại điều kiện bình thường nên kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn. Việc tới đây hồi phục ra sao phụ thuộc lớn vào diễn biến dịch bệnh.

PV: Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế gắn với gói hỗ trợ về tài khóa - tiền tệ. Nhiều ý kiến cho rằng cần có chương trình phục hồi kinh tế đủ lớn, thời gian đủ dài. Nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn về nguy cơ lạm phát. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Quan điểm của tôi là rất cần thiết có gói hỗ trợ nhưng không nhất thiết phải là gói hỗ trợ thật lớn. Gói hỗ trợ cần phải tính toán kỹ lưỡng ở mức độ phù hợp. Nếu quy mô lớn quá, chuyện lạm phát chỉ là một phần, mà nó thường có độ trễ và do đó có thể gây ra nhiều vấn đề khác cho hệ thống tài chính. Như gói kích cầu năm 2009 đã từng gây ra nhiều hệ lụy về nợ xấu, bong bóng bất động sản... Quy mô chỉ là một phần câu chuyện, cái chính là hỗ trợ vào đâu, cách thực hiện thế nào.

Bối cảnh Việt Nam khác các nước. Ở các nước phát triển, họ hỗ trợ lớn vì nguồn lực lớn, nền kinh tế của họ phát triển, hệ thống kinh tế chính thức chiếm đa số, do đó họ kiểm soát dòng tiền, dễ theo dõi đánh giá các gói hỗ trợ hơn. Còn ở ta, hệ thống kinh tế phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng tương đối. Bên cạnh đó, những năm gần đây, tình hình đầu tư công giải ngân khá chậm, giờ nếu tăng thêm thì liệu có giải ngân hết hay không?

Về phía doanh nghiệp, được hỗ trợ là rất cần. Nhưng điều họ lo nhất là tính rủi ro, bất định do dịch bệnh nên cần chính sách để chia sẻ rủi ro với họ. Chẳng hạn cần có các quy định rõ ràng về quy trình xử lý khi dịch bệnh, cách ly, phong tỏa như nào. Nếu không thì doanh nghiệp cũng không dám mở lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, dù có được vay tiền với giá rẻ.

Đương nhiên khi tăng cung tiền sẽ gây ra lạm phát. Tuy nhiên ở Việt Nam mấy năm trước lạm phát cao chủ yếu do tín dụng, do đó với mức tín dụng hiện nay chưa phải điều đáng lo ngại. Năm 2019, 2020 vừa qua nền tăng trưởng tín dụng của chúng ta không cao, nên không phải quá rủi ro. Lo ngại nhất là lạm phát do chi phí đẩy, nhập khẩu từ bên ngoài. Nhưng hiện nay, chúng ta cũng đã chủ động được nhiều mặt hàng trong nước, nên tôi không cho rằng cần quá lo ngại vấn đề này.

Vấn đề đáng lo, như tôi đã nói, không phải lạm phát mà là có tiêu được tiền không, có đúng không hay chệnh hướng vào bất động sản, chứng khoán. Một vấn đề đáng lo hơn là nợ xấu, khả năng năm tới đây sẽ là điều rất cần lưu ý.

PV: Vậy ông có những đề xuất gì để chương trình phục hồi kinh tế tới đây sẽ được khả thi, phát huy hiệu quả tốt nhất?

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Mấu chốt là nền kinh tế được hoạt động bình thường, với các kịch bản phòng, chống dịch bệnh rõ ràng, thống nhất ở các ngành, lĩnh vực, chứ không chỉ đơn giản là quy định theo các địa phương. Các bộ, ngành cần phải có kịch bản cho mình, như giáo dục thì ứng xử thế nào với các cấp độ dịch; tương tự là với vận tải...

Các chính quyền địa phương cũng cần được giao chỉ tiêu về việc làm, an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, thay vì chỉ phòng chống dịch bệnh. Có như vậy, các quyết định đóng hay mở của các địa phương sẽ được cân nhắc theo nhiều góc độ.

Tất nhiên, để làm được, Bộ Y tế cần có những đánh giá cụ thể về tác động của dịch bệnh một cách chi tiết, như nguy cơ lây lan trong nhà trường, nhà xưởng, chung cư... để làm cơ sở cho các quyết định của các ngành khác.

Hiện tại, dù đã có Nghị quyết 128/2021/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhưng việc thực hiện trên thực tế vẫn chưa cụ thể, rõ ràng và thiếu thống nhất.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro khi mở lại các hoạt động kinh tế trên các cơ sở tỷ lệ tiêm chủng, các nghiên cứu, đánh giá tác động của ngành Y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dự báo được tình huống dịch mới có cơ hội phục hồi

“Mấu chốt là đảm bảo các doanh nghiệp được hoạt động, có thể dự báo được các tình huống khi dịch bệnh diễn ra một cách cụ thể, để họ quyết định sẽ làm gì. Nếu không dự báo được, các doanh nghiệp không thể làm gì được, dù có nguồn tiền hỗ trợ. Về gói hỗ trợ, nên xác định rõ thời gian, có thể trong 2 năm, để các doanh nghiệp cân nhắc, lên kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, các chính sách cần được thiết kế để thực thi được ngay” - PGS - TS. Vũ Sỹ Cường.