“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”

“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”- Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ thường nói như vậy mỗi khi nhắc đến tinh thần đoàn kết của cả bộ máy nhà nước cũng như sự sẻ chia, đồng hành của QH với Chính phủ.

Vào những thời điểm khó khăn như hai năm 2021, 2022, cả nước lao đao gượng dậy sau đại dịch Covid-19, thì “QH luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết các khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao”- Chủ tịch QH khẳng định: “Tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của QH đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần và được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của QH, các cơ quan của QH và từng đại biểu QH, để lại những dấu ấn, hình ảnh tốt đẹp đối với cử tri và đồng bào cả nước”.

Năm 2022 - một năm đầy bất định của kinh tế chính trị toàn cầu, hoạt động của QH càng hối hả. QH đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất; đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ QH đã tổ chức 3 phiên họp thường kỳ, 2 phiên họp chuyên đề và Hội nghị đại biểu QH chuyên trách lần thứ 2 về công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”…

Lúa trổ trong giông tố

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể ví như cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ bông giữa bối cảnh rất nhiều giông tố - nhiều đại biểu QH cùng có chung cảm nhận như vậy. “Cánh đồng lúa trổ bông”, được nhìn thấy ở diễn biến trong khi tình hình thế giới và khu vực đều rất căng thẳng, tăng trưởng thấp, lạm phát tăng cao, thì những kết quả Việt Nam đạt được là toàn diện.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV khai mạc ngày 20/10/2022.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV khai mạc ngày 20/10/2022.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, điều này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ việc QH ban hành kịp thời các gói hỗ trợ thúc cho cả nền kinh tế bật dậy, đến sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nỗ lực thực hiện của các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là không thể thiếu sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác hết lòng của người dân.

Dù vậy ông Hiếu thấy, thực tế vẫn còn rất nhiều thách thức ngay trong nội tại, như chất lượng tăng trưởng, chỉ tiêu về năng suất lao động chưa đạt, cùng với tính bền vững, tự chủ, khả năng chống chịu, hay xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản chưa có sự thay đổi đột phá... Trong khi đó, ổn định kinh tế vĩ mô hiện đang gặp không ít thách thức như vấn đề tỷ giá, lạm phát, lãi suất. Doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do xu hướng suy thoái kinh tế trên thế giới... Mục tiêu tăng trưởng cả về chất lượng và quy mô phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn phải nỗ lực rất cao mới có thể vượt qua. Càng trong bối cảnh như vậy, QH càng sát cánh, đồng hành cùng Chính phủ

Chưa từng có tiền lệ

QH nhiệm kỳ khóa XV, với những diễn biến nghị trường chưa từng có tiền lệ khi lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của QH, QH tiến hành liên tục hai Kỳ họp bất thường vào đầu hai năm 2022, dự kiến đầu năm 2023. Hàng loạt vấn đề nóng trong điều hành kinh tế được xử lý chóng vánh trên bàn của QH, Ủy ban Thường vụ QH. Hoạt động của QH không còn là “xuân thu nhị kỳ” mà hiện diện ngày càng “cập thời vũ”- mưa đúng lúc, kịp thời hạ nhiệt cho nỗi bức xúc của Nhân dân trong cuộc sống vất vả với cơm áo gạo tiền; kịp thời hạ nhiệt cho nỗi âu lo của Chính phủ gặp phải khi trong điều hành buộc phải “nhập khẩu” những bất định, khó lường từ kinh tế toàn cầu.

Các kỳ họp của QH nhiệm kỳ khóa XV cũng ngày càng được rút gọn về thời gian hơn. Nếu như tại các nhiệm kỳ trước, các kỳ họp cuối năm có thể kéo dài đến 40 ngày thì như tại Kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm 2022, tổng thời gian họp chỉ 21 ngày. Có thể rút ngắn được như vậy, bởi như theo phương châm của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: “Với tinh thần trách nhiệm rất cao, QH làm cho đến hết việc, chứ không phải làm đến hết giờ”. Trong 21 ngày họp của Kỳ họp thứ 4, QH đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý, cho ý kiến đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Đã có tới hơn 2.500 lượt đại biểu QH phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và tại hội trường.

Theo nhận xét của Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường, dù khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung mới, khó và phức tạp nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, với tinh thần trách nhiệm, sự tập trung cao độ của các đại biểu QH, 4 kỳ họp của QH khóa XV đều đã thành công trên nhiều phương diện, xem xét thấu đáo và đưa ra những quyết đáp chính xác đối với từng nội dung nghị sự, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển cũng như mong muốn và kỳ vọng của Nhân dân.

Quyền lực lớn, trách nhiệm cao

Quốc hội (QH) đã và đang khẳng định được quyền lực, các yêu cầu của QH đưa ra trong điều hành kinh tế của Chính phủ, không chỉ là đề nghị, mà là mệnh lệnh đanh thép. Như khi bế mạc Kỳ họp thứ 4, tháng 11/2022, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ: “Phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...”.

Quyền lực lớn, trách nhiệm cao, QH không phụ sự ủy thác gửi gắm của Nhân dân, trong từng quyết sách đều luôn thấm đẫm tinh thần vì nước, vì dân. Tại Kỳ họp thứ 4, mặc dù rất mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bởi QH thấu hiểu sâu sắc rằng, đây là dự án Luật được cử tri và Nhân dân cả nước nói chung, cử tri ngành Y tế nói riêng đặc biệt quan tâm, mong đợi QH sớm thông qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh hiện nay. Dù vậy, trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt, QH đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét thông qua dự luật này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu thiết thực cho cả trước mắt và lâu dài của ngành Y tế, không để cho dự thảo Luật bị “chín ép”.

Tinh thần trách nhiệm cao cũng đi cùng tinh thần lắng nghe, cầu thị rất cao. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, không có ý kiến nào của đại biểu QH không được tổng hợp, tiếp thu, giải trình. Kể cả những nội dung trong dự án Luật chỉ có 3 đến 5 đại biểu QH cho ý kiến, nhưng Ủy ban Thường vụ QH vẫn phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan phân tích thấu đáo, nghiên cứu tiếp thu và tìm phương án tối ưu nhất. Trước khi biểu quyết thông qua dự án luật, Chính phủ đều có văn bản thể hiện sự đồng tình, thống nhất.

Mọi quyết đáp của QH về lập pháp, về giám sát tối cao, về các vấn đề quan trọng của đất nước đều được QH xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo và được thông qua với sự đồng thuận rất cao. Và để phát huy cao nhất hiệu quả của các quyết sách, QH lại nhận về trách nhiệm, như nhìn nhận của Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường: “Không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương mà QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH cũng đều phải hành động, tăng cường giám sát, kịp thời đôn đốc, nếu có vướng mắc, khó khăn gì thì kịp thời đề xuất, yêu cầu cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết”.