Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chia sẻ khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, số liệu cho thấy dòng vốn FII đang vào Việt Nam rất tốt. Ông có thể đánh giá sơ bộ về xu thế dòng vốn ngoại những tháng đầu năm nay?

Trong con mắt NĐTNN, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng lượng cung chất lượng tốt vẫn bị hạn chế, mà một biểu hiện là nhiều doanh nghiệp bị kín “room”.

Nguyễn Đức Hùng Linh

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Mặc dù trong 2 tháng gần nhất nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ròng với tổng giá trị khoảng 520 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị mua ròng của NĐTNN tính từ đầu năm đến cuối tháng 10 vẫn rất lớn.

Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng khoảng 13,5 nghìn tỷ đồng, trong đó xu hướng mua ròng tập trung từ tháng 3 đến tháng 8. Diễn biến này ngược với 10 tháng năm 2016, khi NĐTNN bán ròng 3,4 nghìn tỷ đồng.

* PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội để chứng khoán Việt thu hút vốn ngoại đang rất lớn. Theo ông, chúng ta cần gì để hấp dẫn dòng tiền khối ngoại?

- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: NĐTNN đang nhận thấy IPO và thoái vốn ở các doanh nghiệp lớn là một cơ hội hiếm có để đầu tư vào những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Trong con mắt NĐTNN, Việt Nam lâu nay còn rất nhiều tiềm năng, nhưng lượng cung chất lượng tốt vẫn bị hạn chế, mà một biểu hiện là nhiều doanh nghiệp bị kín “room”. Thoái một lượng vốn lớn trong thời gian ngắn đang tạo ra nhiều lợi thế cho bên mua, đặc biệt là bên mua có tiềm lực tài chính. Đây là thế mạnh của NĐTNN nếu so sánh với các NĐT trong nước.

Do vậy, để tạo điều kiện cho NĐTNN, đặc biệt là các NĐT có uy tín tham gia nhiều hơn vào quá trình IPO và thoái vốn, Việt Nam phải có cách tiếp cận bài bản, mà một trong các cách đó là tạo điều kiện để NĐTNN có đủ thời gian và thông tin đánh giá về doanh nghiệp.

Ở góc nhìn chiến lược, một quyết tâm và lộ trình nâng hạng thị trường sẽ xây dựng niềm tin và nâng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

* PV: Theo thông tin từ đại diện Morgan Stanley Capital International (MSCI), trong trường hợp tốt nhất, Việt Nam có thể được xem xét vào thị trường mới nổi vào tháng 6/2019 và năm 2020 được nâng hạng. Ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện lộ trình này của Việt Nam?

- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Theo tôi mọi khả năng đều có thể và nếu như MSCI - đơn vị đánh giá xếp hạng, có nhận xét như vậy thì đây là một tín hiệu rất đáng ghi nhận.

Hiện tại Việt Nam chưa thỏa mãn nhiều tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí định tính để được nâng hạng. Tuy nhiên, chúng ta không bắt buộc phải thỏa mãn toàn bộ những tiêu chí đó và MSCI có sự linh hoạt nhất định khi xem xét đánh giá dựa trên khảo sát thực tế từ chính các NĐTNN.

Một yếu tố vô cùng quan trọng để thay đổi cách nhìn của NĐTNN, từ đó ảnh hưởng đến quyết định xếp hạng của MSCI là quy mô có thể đầu tư. Với một quy mô đủ lớn, ví dụ trên 100 tỷ USD vốn hóa tự do chuyển nhượng của những doanh nghiệp đủ điều kiện, Việt Nam rất có thể lọt vào “mắt xanh” của những NĐT lớn, từ đó khiến MSCI phải cân nhắc kỹ hơn việc xếp hạng cho dù một số tiêu chí định tính Việt Nam chưa hoàn toàn thỏa mãn.

Với xu hướng IPO và thoái vốn nhanh trong 2 năm tới, việc đạt tới quy mô này không phải là bất khả thi.

* PV: Có hay không một dòng tiền ngoại mới sẽ vào để đón trước cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thưa ông?

- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tôi tin rằng những NĐT trên thị trường chứng khoán đều hiểu rằng cần phải đi trước một bước để có một mức giá tốt. Nếu chờ cho đến khi Việt Nam được nâng hạng thì có thể đã muộn, bởi khi đó chắc chắn một lượng tiền lớn từ các quỹ sử dụng chỉ số của thị trường mới nổi sẽ mua cổ phiếu của Việt Nam, đồng nghĩa giá cổ phiếu sẽ tăng.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái