Chiều 29/9, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp báo quý III năm 2016. Phát biểu tại cuộc họp báo, liên quan đến kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước về các dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết hoạt động kiểm toán là một hoạt động thường xuyên đối với tất cả các dự án đầu tư cơ bản, không riêng gì dự án BOT.
Thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra đối với một số dự án BOT đã đưa vào khai thác sử dụng. Sau khi có dự thảo kết luận, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước để làm rõ nội dung nêu trong dự thảo kết luận.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, khi xây dựng một dự án BOT, xuất phát từ chủ trương đầu tư với quy mô và cách thức triển khai để ra suất đầu tư và tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư bao gồm các mức dự phòng. Tại thời điểm xây dựng các dự án BOT này (dự án kiểm toán đã kiểm tra), lãi suất cho vay của ngân hàng dao động từ 12-14%/năm, do đó kéo theo các khoản dự phòng lớn, khiến các dự án có mức dự phòng thấp nhất khoảng 500 tỷ đồng cho đến cao nhất là 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong tổng mức đầu tư, ngoài vấn đề xây lắp thì phải cộng thêm các khoản dự phòng đó vào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án này lại là giai đoạn ổn định về tỷ giá, đặc biệt là giá xăng dầu có lúc giảm nên hầu hết không sử dụng đến quỹ dự phòng. Số tiền đó chưa đưa vào giải ngân, cho nên dự toán nhà thầu làm ra, thấp hơn rất nhiều so với tổng vốn đầu tư ban đầu.
Tiếp đó là vấn đề năm thu phí. Khi đầu tư dự án, bao giờ cũng có năm thu phí giả định. Theo quy định trong hợp đồng các dự án BOT, sau khi xây lắp xong thì tiến hành quyết toán, sẽ tính được giá trị đích thực của dự án đó là bao nhiêu. Sau đó chia cho mức thu phí để ra được năm thu phí.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện quyết toán các dự án BOT. Bộ cố gắng dự án sớm nhất sẽ xong vào cuối năm 2016, chậm nhất cuối tháng 6/2017, như vậy sẽ có được số liệu chính thức của các dự án BOT, để có thể công bố chính thức về số năm thu phí.
Ngoài ra, vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh năm thu phí nữa là phụ thuộc vào lưu lượng xe lưu thông. Khi xe biến động trên dưới 5%, thì nhà đầu tư được quyền tính lại thời gian thu phí. Ví dụ, lưu lượng xe tăng lên 5% thì Bộ GTVT có trách nhiệm tính toán với nhà đầu tư để giảm thời gian thu phí, ngược lại nếu doanh số đi qua trạm thấp hơn 5% thì Bộ GTVT sẽ bù lại cho doanh nghiệp bằng cách tăng thời gian thu phí. Như vậy, sau khi quyết toán, thì số năm thu phí BOT đưa ra trước vẫn chưa thể là con số cuối cùng vì còn căn cứ vào sự tăng giảm lưu lượng để điều chỉnh.
Như vậy, căn cứ vào các mức điều chỉnh, người dân không nên lo lắng về vấn đề thất thoát khi thực hiện dự án BOT vì nhà nước quản lý rất chặt.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết thêm, quan điểm của Bộ GTVT, từ nay về sau đầu tư BOT sẽ là đầu tư có lựa chọn cho dân. Để người dân có thể lựa chọn đi vào BOT hoặc không. Việc lập dự án đầu tư sẽ chuyển về cho cơ quan thẩm quyền. Nhà đầu tư nào có đủ lực thì tham gia đấu thầu. Từ khâu thiết kế, dự toán thì đều có cơ quan nhà nước tham gia.
Mặt khác, tới đây Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, hình thức đầu tư BOT có sự tham gia của Nhà nước, với số vốn chiếm khoảng 15-30%. Như vậy sẽ có hình thức BOT mới hơn, quản lý tốt hơn. Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua chương trình giám sát với các dự án BOT. Theo đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ giám sát tất cả các trạm BOT của các tỉnh. Việc giám sát này gắn với Hội đồng nhân dân tỉnh, sẽ tránh sai sót trong thời gian tới./.
Trí Dũng