Tài chính xanh: Nền tảng chủ chốt cho một tương lai bền vững
Dự án điện mặt trời áp mái tại Long An. Ảnh: CTV

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Theo báo cáo “Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN” năm 2021 của UOB Việt Nam (ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 5 của tập đoàn UOB tại Châu Á), người tiêu dùng đang chủ động hướng tới lối sống xanh, có 58% số người tham gia khảo sát trong khu vực ASEAN cho rằng có động lực để họ chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm mang tính bền vững vì họ tin rằng nó sẽ góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho con họ.

Ở Việt Nam, người tiêu dùng thậm chí ý thức và quan tâm tới vấn đề này nhiều hơn, với 67% cho rằng việc có một tương lai tốt hơn cho con là động lực thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm có tính bền vững. Tỷ lệ này cao hơn 14% so với kết quả năm 2020.

Người tiêu dùng dần nhận ra những lựa chọn hằng ngày của họ từ nơi họ sống và cách họ di chuyển, đến những khoảng đầu tư của họ sẽ tạo ra sự khác biệt cho môi trường.

Cùng với sự thay đổi trong thái độ và hành vi người tiêu dùng, các ngân hàng đang từng bước thể hiện vai trò của mình trong sự dịch chuyển hướng đến một tương lai bền vững hơn. Nhiều định chế tài chính đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh ở Việt Nam.

Việc lựa chọn sử dụng xe điện và bất động sản xanh đã phản ánh nhận thức về việc sống xanh đang tăng lên. Và người Việt Nam cũng có xu hướng ủng hộ các tổ chức cung cấp giải pháp tài chính hoặc đầu tư mang tính bền vững.

Một nghiên cứu của Bain and Company ước tính rằng nền kinh tế xanh của khu vực Đông Nam Á có thể mang lại những cơ hội hàng năm trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, mà Việt Nam được xem là quốc gia chiếm thị phần tương đối lớn.

Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.

Giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Các chuyên gia cho rằng, để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội thì các tổ chức tài chính sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ thích ứng với khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Nhận thức rõ vấn đề này, cộng đồng doanh nghiệp phải được xác định là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Ví dụ điển hình tại một tỉnh miền núi Gia Lai, trong giai đoạn 2016 - 2021, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, tỉnh Gia Lai đã triển khai đầu tư xây dựng 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 50.500 tỷ đồng.

Tài chính xanh: Nền tảng chủ chốt cho một tương lai bền vững
Cánh đồng điện gió ở Gia Lai, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế đơn thuần mà còn thu hút du lịch hấp dẫn cho du khách. Ảnh: Gia Cư

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, các chuyên gia và các nhà đầu tư rất kỳ vọng và xem đây là sự bứt phá “đi trước, đón đầu” trong hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này nhằm tăng nguồn thu bổ sung ngân sách, giảm phụ thuộc vào Trung ương đối với Gia Lai.

Đồng thời, đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chủ đầu tư, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và dân cư khu vực dự án và làm tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể./.

Tại hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc "sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050".