Lợi dụng mua, bán qua mạng

Những tháng đầu năm 2022, lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp phá thành công 3 chuyên án, bắt giữ tổng cộng gần 25 kg ma túy tổng hợp loại MDMA (thuốc lắc), heroin và 18 kg cần sa được cất giấu trong nhiều kiện hàng nhập khẩu và xuất khẩu vận chuyển trái phép qua dịch vụ bưu chính quốc tế, chuyển phát nhanh. Thủ đoạn cất giấu ma túy trong các vật dụng gia đình, các khối sáp thơm, máy hát đĩa, hoặc ép vào các thành, vách thùng bao bì carton, còn cần sa được ngụy trang trong các lon ngũ cốc, sữa, bánh… được hàn kín lại, bằng mắt thường không thể phân biệt được.

Một vụ điển hình tinh vi là vụ “tem lưỡi” bị bắt giữ tại Hà Nội. Đối tượng vi phạm đã đặt mua số hình ảnh bằng giấy (bao gồm 500 tem nhỏ) khối lượng 8,4g và nhiều tang vật liên quan khác trên mạng, được bên bán đóng gói trong bì thư gửi từ Hà Lan qua Thẩm Quyến (Trung Quốc), sau đó vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không (theo loại hình bưu chính). Chất LCP-LSD hàm lượng 150mcg, có tác dụng gây ảo giác tương tự chất ma túy LSD có trong “tem lưỡi”, được phun, tẩm trên giấy thấm, có thể xé thành các tem nhỏ để sử dụng.

Tăng cường thích ứng để đấu tranh với sự “tinh vi” của tội phạm ma túy
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân

Không chỉ đường bộ, đường hàng không mà cả đường biển đều xuất hiện những vụ việc vận chuyển, buôn bán ma túy lớn và rải rác trên rất nhiều địa bàn từ Điện Biên, Lào Cai, đến Nghệ An, Hà Tĩnh và sâu vào phía Nam.

Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nằm gần khu vực “Tam Giác Vàng”, 1 trong 3 khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới nên tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới Việt Nam luôn diễn biến phức tạp. Số lượng vụ việc cũng như khối lượng ma túy thu giữ trong các vụ án bị các lực lượng chức năng của Việt Nam phát hiện, bắt giữ và xử lý có dấu hiệu tăng lên.

Đặc biệt, khi công nghệ phát triển, việc mua bán và gửi hàng qua mạng thuận tiện, dễ dàng và phổ biến. Lợi dụng điều kiện thuận lợi của phương thức này, nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy đã tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán qua mạng, đồng thời phát triển đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia thông qua lợi dụng các loại hình vận chuyển như: chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế. Theo các hình thức vận chuyển này, đối tượng thường áp dụng phương thức, thủ đoạn như sử dụng tên giả, địa chỉ giả, số điện thoại giả... khi làm thủ tục gửi, nhận hàng hóa. Khi hàng về Việt Nam, đối tượng thường thuê hoặc nhờ người đi nhận hàng; hoặc ủy thác cho công ty chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục hải quan, sau đó giao hàng về địa chỉ được chỉ định.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Do tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy gia tăng trên tất cả các tuyến đường; chủng loại ma túy, phương thức thủ đoạn của các đối tượng tội phạm cũng đa dạng và tinh vi hơn rất nhiều so với trước kia, công tác kiểm soát ma túy của các lực lượng chức năng của Việt Nam nói chung và lực lượng kiểm soát chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam nói riêng cần phải được chú trọng hơn nữa.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi buôn bán ma túy

Ngày 27/5, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 (tháng 6) và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày 26/6) với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”. Tổng cục Hải quan yêu cầu toàn ngành tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan; tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất trong địa bàn hoạt động hải quan.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Ổn, các cơ quan thi hành pháp luật cần thường xuyên phối hợp công tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống ma túy và cập nhật các phương thức và công cụ hỗ trợ tìm kiếm, chia sẻ thông tin nghiệp vụ nhằm triệt phá và ngăn chặn các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép.

Nhận thức những khó khăn trước mắt, yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới là tăng cường thích ứng. Ngành Hải quan đã và đang tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ...; thúc đẩy quan hệ phối hợp, hợp tác giữa cơ quan hải quan với lực lượng chức năng trong nước và với cơ quan hải quan nước ngoài, tổ chức quốc tế trong đấu tranh đẩy lùi tội phạm về ma túy và kiểm soát hiệu quả hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Đặc biệt, ngành Hải quan đã xác định sẽ tập trung tổ chức thực hiện đạt chất lượng cao nhất các giải pháp mang tính chiến lược, dài hạn, xuyên suốt, tăng cường các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao năng lực của lực lượng hải quan chuyên trách phòng chống ma túy theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.