Báo cáo tại hội nghị cho thấy, nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp xanh mà áp lực sản xuất nông nghiệp lên môi trường đã được giảm đáng kể. Tính đến nay trên phạm vi cả nước có khoảng 214.000 công trình khí sinh học được xây dựng, 40/63 tỉnh, thành phố áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi với tổng diện tích 5,47 triệu m2; khoảng 40-50% lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, góp phần cải thiện chất lượng môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó việc xử lý chất thải nguy hại cũng được quản lý tốt hơn. Thống kê từ báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800 ngàn tấn/năm, khối lượng được thu gom, xử lý ngày càng tăng qua từng năm. Cùng với đó, nhiều vấn đề liên quan tới môi trường như ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm tác động môi trường xuyên biên giới cũng đã đạt được những thành tựu tích cực.

thu tuong
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Ngày nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng đã trở thành những vấn đề toàn cầu và không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được.

“Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách lớn đối với vấn đề quan trọng này. Nhìn lại 5 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, hệ thống cơ chế chính sách pháp luật đã được rà soát bổ sung và không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương. Năng lực quản lý cũng được cải thiện đáng kể, đầu tư từ ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn và tăng dần theo từng năm. Tổng chi cho bảo vệ môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010”, Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn về những hạn chế, ô nhiễm suy thoái môi trường tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội. Tài nguyên thiên nhiên khai thác quá mức, nhiều cơ chế chính sách còn chồng chéo, trùng lắp, tính khả thi chưa cao, thực thi pháp luật chưa nghiêm, đội ngũ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng tổ chức quần chúng trong việc giám sát thực thi pháp luật về môi trường.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Cảnh báo của các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức, ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần, thậm chí có thể tăng gấp 5 lần so với hiện nay. Tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm sẽ làm mất đi 3% GDP. Đây là cảnh báo cần rất coi trọng, khi trên thực tế còn có tình trạng coi trọng những lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài.

Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, hoàn thiện các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường 2014; sửa đổi Luật đa dạng sinh học và các luật có liên quan nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

“Không cho phép đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, kiểm soát chặt chẽ không để nước ta trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển. Phát huy hiệu lực hiệu quả các công cụ đánh giá môi trường, tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, không để tái gây ô nhiễm môi trường”, Thủ tướng yêu cầu./.

Hồng Quyên