Đây là một trong những nội dung được Chính phủ gửi tới Quốc hội tại Báo cáo Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

“Bảng vàng” nợ xấu đều thuộc về các “ông lớn”

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chiếm bảng vàng trong số các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) có nợ phải thu khó đòi năm 2012 là TĐ Viettel 3.282 tỷ đồng; TĐ Dầu khí quốc gia 1.594 tỷ đồng; TĐ Hóa chất 125 tỷ đồng; TĐ Bưu chính viễn thông 2.089 tỷ đồng; TĐ Điện lực 189 tỷ đồng; TĐ Than khoáng sản VN 449 tỷ đồng; TĐ Dệt may VN 80 tỷ đồng; TCT Hàng không VN 215 tỷ đồng; TCT Hàng hải VN 251 tỷ đồng; TCT Cảng HKVN 383 tỷ đồng; TCT XD CTGT1 350 tỷ đồng; TCT Sông Đà 142 tỷ đồng; TCT XD Hà Nội 100 tỷ đồng; TCT Đia ốc SG 109 tỷ đồng;…

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2012 của các TĐ, TCT là 11,5% (năm 2011 là 14,4%). Báo cáo của Công ty mẹ, tổng nợ phải thu khó đòi là 8.281 tỷ đồng, tăng 6,6% so với thực hiện năm 2011, chiếm 3,6%/tổng số nợ phải thu.

Số nợ khó đòi của các "ông lớn":

- TĐ Viettel 3.282 tỷ đồng;

- TĐ Dầu khí quốc gia 1.594 tỷ đồng;

- TĐ Hóa chất 125 tỷ đồng

- TĐ Bưu chính viễn thông 2.089 tỷ đồng;

- TĐ Điện lực 189 tỷ đồng

- TĐ Than khoáng sản VN 449 tỷ đồng;

- TĐ Dệt may VN 80 tỷ đồng;

- TCT Hàng không VN 215 tỷ đồng;

- TCT Hàng hải VN 251 tỷ đồng;

- TCT Cảng HKVN 383 tỷ đồng;

- TCT XD CTGT1 350 tỷ đồng;

- TCT Sông Đà 142 tỷ đồng;

- TCT XD Hà Nội 100 tỷ đồng;

- TCT Đia ốc SG 109 tỷ đồng;…

Trong đó, một số công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi không lớn nhưng tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu đang ở mức cao. Như: Công ty mẹ - TCT Công nghiệp ô tô Việt Nam có nợ phải thu khó đòi (41,935 tỷ đồng) chiếm 73,3%/tổng nợ phải thu; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV XNK và Đầu tư Chợ Lớn có nợ phải thu khó đòi (20,360 tỷ đồng) chiếm 60,12%/tổng nợ phải thu; Công ty mẹ - TCT Giấy Việt Nam có nợ phải thu khó đòi (19,028 tỷ đồng) chiếm 34,3%/tổng nợ phải thu; Công ty mẹ - TCT Rau, quả nông sản có nợ phải thu khó đòi (23,484 tỷ đồng) chiếm 30% tổng nợ phải thu.

Một số công ty mẹ có tỷ lệ Nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: Công ty mẹ - TCT XD CTGT8 (nợ phải thu 1.036,885 tỷ đồng, bằng 66%); Công ty mẹ - TCT XD CTGT5 (nợ phải thu 684,357 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - TCT XD Thăng Long (nợ phải thu 795,466 tỷ đồng, bằng 60%); Công ty mẹ - TCT Thành An (nợ phải thu 839,628 tỷ đồng, bằng 56%); Công ty mẹ - TCT XD Trường Sơn (nợ phải thu 808,674 tỷ đồng, bằng 55%)...

Nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng số nợ phải thu hoặc Nợ phải thu khó đòi/tổng tài sản ở mức cao tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng. Bên cạnh đó, các TĐ,TCT cũng đã trích lập 9.220 tỷ đồng (Công ty mẹ: 5.013 tỷ đồng) dự phòng nợ phải thu khó đòi để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.

DNNN

TĐ, TCT quá phụ thuộc vào vốn vay

Báo cáo hợp nhất cho thấy, tổng số nợ phải trả của TĐ,TCT năm 2012 là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần. Có 48 TĐ,TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, như TCT Lắp máy Việt Nam (53.19 lần); TCT XD Bạch Đằng (20.97 lần); TCT XDCTGT8 (20.02 lần); TCT XDCTGT1 (18.41 lần); TCT ĐT PT Đường cao tốc (14.04 lần); TCT XD HN (12.15 lần)…

Theo Báo cáo hợp nhất, hệ số tự tài trợ bình quân (Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản) là 0,39 lần (Công ty mẹ là 0,53 lần). Hệ số nợ tổng quát (Tổng nợ phải trả/Tổng nguồn vốn) bình quân là 0,56 lần (Công ty mẹ là 0,44 lần). Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (Tổng tài sản/Tổng nợ phải trả) bình quân là 1,77 lần (Công ty mẹ là 2,24 lần).

“Như vậy, rất nhiều TĐ,TCT đang hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn vay nên chi phí tài chính lớn”, báo cáo Chính phủ viết.

Một số TĐ,TCT đang có nợ quá hạn như: TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam (nợ quá hạn 2.174 tỷ đồng); TCT Hàng hải VN (6.681 tỷ đồng); TCT Cà phê VN (153 tỷ đồng); TCT Máy và TBCN (84 tỷ đồng); TCT Chè VN (26 tỷ đồng); Công ty Haprosimex – Hà Nội (32 tỷ đồng); Công ty ĐTTMDVQT – Hà Nội (13 tỷ đồng); TCT XD Sài Gòn (6 tỷ đồng).

Có 04/127 TĐ,TCT có hệ số thanh toán nợ tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) nhỏ hơn 1 (TCT Xăng dầu quân đội: 0,90; TCT Hàng hải VN: 0,99; TCT Cơ khí xây dựng: 0,94; Công ty Haprosimex – Hà Nội: 0,98) do kinh doanh thua lỗ, âm (-) vốn chủ sở hữu, nên tài sản không đảm bảo khả năng thanh toán nợ hiện có.

Báo cáo của Công ty mẹ, tổng số nợ phải trả là 717.264 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 0,84 lần; hệ số tự tài trợ bình quân (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản) là 0,53 lần. Hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng tài sản) bình quân là 0,45 lần.

Trong đó, nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (NHTM & TCTD) của các TĐ,TCT (vay ngắn hạn và dài hạn) là 402.955 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2011. Một số TĐ,TCT có số nợ vay từ các NHTM & TCTD tương đối lớn như: TĐ Dầu khí VN (124.499 tỷ đồng); TĐ Điện lực VN (103.194 tỷ đồng); TCT Hàng hải VN (31.681 tỷ đồng); TCT Sông Đà (17.644 tỷ đồng); TĐ Bưu chính viễn thông VN (9.204 tỷ đồng); TĐ CN cao su VN (7.688 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (7.573 tỷ đồng);…

TĐ, TCT nợ nước ngoài 315.851 tỷ đồng

Báo cáo hợp nhất, nợ nước ngoài của các TĐ,TCT là 315.851 tỷ đồng (vay ngắn hạn là 70.659 tỷ đồng; vay dài hạn là 245.192 tỷ đồng). Trong đó: vay lại vốn ODA của Chính phủ là 54.574 tỷ đồng; Vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỷ đồng. Còn lại các TĐ,TCT tự vay, tự trả.

Báo cáo của các Công ty mẹ, nợ nước ngoài là 202.172 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - TĐ Điện lực VN là 112.625 tỷ đồng (vay đầu tư nhà máy điện); Công ty mẹ - TCT Hàng không VN là 27.837 tỷ đồng (vay đầu tư mua máy bay mới); Công ty mẹ - TĐ Dầu khí quốc gia VN là 15.923 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT ĐT PT đường cao tốc VN là 14.288 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Cảng hàng không VN là 7.486 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Bưu chính viễn thông VN là 6.924 tỷ đồng.

Hoàng Lâm