Gỡ "thẻ vàng" IUU để khẳng định vị thế quốc gia
Gỡ "thẻ vàng" IUU để khẳng định vị thế quốc gia. Ảnh: Minh họa

Xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg (QĐ 81) ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4". Mục tiêu của kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU (bất hợp pháp - PV), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2023.

Kế hoạch hành động nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp đến tháng 5/2023 về thông tin truyền thông; khung pháp lý, cơ chế, chính sách; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

QĐ 81 nêu rõ, thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, trong kế hoạch hành động nêu rõ, phải chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để ngăn chặn, xử lý phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe.

Trong kế hoạch sẽ mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định... Ngoài ra, cơ quan chức năng đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước. Về lâu dài, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Gỡ "thẻ vàng" IUU để khẳng định vị thế quốc gia
Với quyết tâm cao, tin tưởng Việt Nam sẽ bị loại bỏ thẻ vàng vào năm 2023. Ảnh: Minh họa

Tháo gỡ thẻ vàng khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, QĐ 81 thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023 tới.

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ khi bị thẻ vàng, chỉ riêng thủ tục hành chính nhập khẩu vào các nước EU rất mất thời gian, trước đây chỉ mất 1 - 3 ngày, giờ 3 - 4 tuần mới xong, chi phí nâng cao, giá trị giảm rất nhiều. Chưa kể các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng đã đặt vấn đề và điều trần về IUU. Vì vậy, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ban, ngành khác và các địa phương sẽ quyết liệt hành động để gỡ được thẻ vàng sau 5 năm.

Thông tin về kế hoạch hành động và chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 dự kiến vào tháng 6/2023, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, có nhiều nhiệm vụ mà các đơn vị chức năng phải hoàn thành 100%, như đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; cập nhật dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia...

Chia sẻ thêm về đoàn kiểm tra của EC, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, qua lần kiểm tra thứ 3, đoàn kiểm tra của EC thấy được quyết tâm rất lớn của hệ thống chính trị trong nỗ lực để thực hiện các khuyến nghị, gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời đánh giá cao khung pháp lý toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định vẫn chưa đồng bộ ở các địa phương...

Theo thống kê, trong năm 2022, số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài là 81 vụ với 112 tàu cá và 957 người bị bắt, chưa kể số tàu cá đánh bắt ở các vùng chồng lấn, vùng nước lịch sử.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, việc quản lý các tàu IUU không thống nhất với số liệu của tỉnh, danh sách nguy cơ cao chưa có sự kết nối và tính hệ thống. Tàu nằm trong danh sách tàu mất tín hiệu nhiều ngày, không có biện pháp xử lý nhưng vẫn được cấp giấy phép khai thác. Hạ tầng 125 cảng cá, 146 khu neo đậu tránh trú bão vẫn còn chưa được quan tâm đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Số lượng cá khai thác được quản lý chỉ đạt trên dưới 10%. Nếu không quản lý, không truy xuất được nguồn gốc, quản lý sản lượng khai thác thì chặng đường gỡ thẻ còn dài” - ông Tiến cho hay.

Ông Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các địa phương cần truy xuất, kiểm soát kỹ xem tàu đó có IUU hay không, có đánh bắt ở khu vực cấm, đánh bắt loài không được phép hay không.

Thứ trưởng khẳng định, khoảng thời gian để thực hiện kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, loại bỏ "thẻ vàng" không dài với nguồn lực còn hạn chế nhưng với quyết tâm cao và sự điều phối chặt chẽ của các ngành, địa phương, Thứ trưởng thể hiện sự tin tưởng Việt Nam sẽ bị loại bỏ thẻ vàng vào năm 2023.

“Quan trọng hơn, bên cạnh mang lại hiệu quả về kinh tế, việc Việt Nam giải quyết thẻ vàng cũng khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và uy tín trên thị trường quốc tế” - ông Tiến nói.

Sau lần kiểm tra thứ 3 của EC, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 kết luận và chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ thẻ vàng để chuẩn bị cho đợt kiểm tra vào tháng 4/2023 của EC.