chiến sĩ thàn cổ quảng trị

Ban chấp hành Hội truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị nhiệm kỳ 2015 - 2020 ra mắt. Ảnh: N.M.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, người vừa được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực cho biết, việc thành lập Hội truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tại Hà Nội góp phần động viên các chiến binh trở về từ Thành cổ Quảng Trị làm tốt công tác nghĩa tình, phát huy dũng khí và trí tuệ người chiến sĩ Thành cổ tiếp tục đóng góp sức lực của mình để tham gia tốt phong trào thi đua yêu nước.

Ông Lê Văn Hoạt - Phó chủ tịch HĐND TP.Hà Nội đã ghi nhận những công lao, đóng góp của các chiến sĩ đã từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và cho rằng, việc thành lập Hội truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị là cơ hội để các hội viên tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam. Các hội viên cũng có cơ hội để quan tâm, giúp đỡ những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn và chăm lo, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Sau phiên họp trù bị, thông qua chương trình, quy chế, điều lệ hội, Hội nghị chính thức đã bầu ra Ban chấp hành của hội, bao gồm 17 đồng chí, bầu Ban kiểm tra bao gồm 3 đồng chí và Ban Thường vụ gồm có 5 đồng chí. Trung tướng Vũ Văn Kiểu - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) làm Chủ tịch hội; trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 làm Phó chủ tịch thường trực hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thành cổ Quảng Trị được ghi vào lịch sử của dân tộc ta như một mốc son chói lọi, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nơi đây, trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 (từ 30/3-27/6/1972) ta tiến công tiêu diệt địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Hòng chiếm lại vùng đất đã mất, Ngụy đã sử dụng 2 sư đoàn tổng dự bị chiến lược là sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến, liên đoàn biệt động và hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh khác được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện với mật độ cao. Chiến trường Quảng Trị trở thành nơi thực nghiệm học thuyết Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ.

Để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và vùng giải phóng, ta đã huy động 6 sư đoàn chủ lực, hàng chục trung, lữ đoàn binh chủng cùng quân và dân tỉnh Quảng Trị đánh trả cuộc tiến công của quân Ngụy Sài Gòn, bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm.

Trong cuộc chiến đấy gay go quyết liệt đó, quân và dân ta đã vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, hàng vạn chiến sĩ đã hi sinh. Chiến thắng Quảng Trị 1972 đã trực tiếp góp vào thắng lợi tại Hội nghị Pari, buộc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thế chiến đấu cho cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975./.

Nhật Minh