Tạo nguồn lực giúp Thủ đô ngày càng phát triển

Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội (NQ115) sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Điển hình, về quản lý chi ngân sách nhà nước, NQ115 cho phép HĐND TP. Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng, theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Kết quả, trong các năm 2021, 2022, TP. Hà Nội đã chủ động cân đối ngân sách để trả nợ đến hạn. Năm 2022, thành phố sử dụng 3 nghìn tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển theo tinh thần NQ115; không thực hiện huy động nguồn vốn trong nước, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có. Chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo các năm đều đảm bảo không thấp hơn dự toán trung ương giao.

Cho ý kiến về các kết quả nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội (TCNS) cho rằng, đây là cơ chế rất mở so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm tạo chủ động cho thành phố trong việc sử dụng nguồn lực được phân cấp để thực hiện nhiệm vụ của mình, qua đó góp phần tạo động lực mới cho thành phố phát triển.

Nghị quyết 115 tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Khánh
Nghị quyết 115 tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Khánh

Về cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, từ khi thực hiện NQ115 đến nay, TP. Hà Nội đã quyết định sử dụng 6,9 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản. Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã phát huy hiệu quả.

Đối với cơ chế sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong cơ sở đã có của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do TP. Hà Nội quản lý, đến nay thành phố đã bố trí hơn 230 tỷ đồng cho 249 dự án để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình nêu trên. Quy định này giúp thành phố được chủ động tiết kiệm vốn chi thường xuyên trong phạm vi được phân cấp để đầu tư mới các hạng mục thiết yếu, cải tạo, nâng cấp các công trình dân sinh cấp thiết theo quy định của Luật NSNN. Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, chính sách này đã phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố đã áp dụng khá thành công chính sách sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước, cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của TP. Hà Nội trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã quyết định sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ một số địa phương khác trong nước năm 2020 - 2022 khoảng 180 tỷ đồng, để đầu tư trường học, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép các quận hỗ trợ các huyện khó khăn năm 2020 - 2022 khoảng 650 tỷ đồng, thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Bên cạnh các nguồn lực về kinh tế, Ủy ban TCNS cũng nhận định, với vai trò là Thủ đô, bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, qua gần 3 năm thực hiện NQ115, TP. Hà Nội đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển và trình độ, yêu cầu quản lý. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật; chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; chia sẻ khó khăn và tăng cường gắn kết về nguồn lực, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Cụ thể hóa nghị quyết với những chính sách còn chậm triển khai

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với Nghị quyết số 115/2020/QH14, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội hết sức phấn khởi khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm đến sự nghiệp phát triển của Thủ đô. Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa nghị quyết với những chính sách còn chậm triển khai.

“Việc thực hiện NQ115 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TP. Hà Nội mà còn tạo cơ sở thực tiễn đối với việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước” - Ủy ban TCNS đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc triển khai nghị quyết còn khó khăn, hạn chế. Tiến độ thực hiện một số quy định trong NQ115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay, UBND thành phố mới báo cáo HĐND thành phố thông qua 1/6 đề án phí. Việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho thành phố. Công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện trong một số trường hợp còn bị động; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình chưa bảo đảm tính kịp thời…

Để NQ115 triển khai có hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ và TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện NQ115; trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô chưa mở rộng phạm vi cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại NQ115.

Tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, đa số các thành viên Ủy ban nhất trí với việc tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội cũng như để thành phố triển khai một số nhiệm vụ để tạo nguồn thu, như tập trung quản lý tốt chi phí thu phí dừng, đỗ ô tô để tăng nguồn thu cho thành phố.

Triển khai nhanh, kịp thời nghị quyết của Quốc hội

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 (NQ115), Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 2728-TB/TU ngày 07/7/2020 của Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 05/11/2020 về việc thực hiện NQ115, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã.

Thực hiện Kế hoạch số 210, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tổ chức hướng dẫn và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội qua Cổng thông tin điện tử của sở - chuyên mục "Thông tin báo chí" và hòm thư công vụ, nhằm tăng cường tuyên truyền về công tác triển khai thực hiện NQ15.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đã phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù được quy định trong nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả trên tinh thần đổi mới, cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Đồng thời, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm truyền tải tới các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về nội dung nghị quyết và ý nghĩa, tầm quan trọng của các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội.