Đó là chia sẻ của ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ - TBXH) với phóng viên trước thềm Lễ khai mạc kỳ thi tay nghề Asean 2014 sẽ được khai mạc vào tối ngày 23/10.

PV: Theo đánh giá của ông, so với các quốc gia trong khu vực và với mặt bằng chung của các quốc gia tham dự kỳ thi tay nghề Asean 2014, chúng ta đang đứng ở đâu?

Ông Dương Đức Lân: Trong khu vực, chúng ta chỉ thua kém Thái Lan và Singapore. Bởi đây là hai quốc gia đã dự thi các hội thi tay nghề từ những năm 1990, trong đó Thái Lan có nghề hàn rất mạnh. Tất nhiên, so với những quốc gia có truyền thống thi tay nghề hàng trăm năm thì chúng ta còn khoảng cách rất xa và chưa dám mơ sớm tiệm cận họ.

Chúng ta sẽ đầu tư đào tạo cho chiều sâu chứ không dàn trải theo bề rộng.

ong lan

Ông Dương Đức Lân

Nhìn vào tương quan ấy để thấy, mặc dù chúng ta còn thiếu và yếu nhiều, nhưng Việt Nam đã 7 lần tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN từ năm 2001 đến nay và có 2 lần đoạt giải nhất toàn đoàn, nhờ đó đã khẳng định được vị trí của tay nghề trẻ Việt Nam trong khu vực ASEAN. Điều này cho phép chúng ta có quyền tin tưởng vào tay nghề của các thí sinh trong đội tuyển quốc gia.

PV: Như ông nói ở trên, trong kỳ thi này chúng ta có lợi thế là nước chủ nhà. Thế nhưng, trải qua 7 lần tham dự kỳ thi đến nay, các thí sinh của Việt Nam luôn bị đánh giá là yếu về thể lực và tính tự tin. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Dương Đức Lân: Đó chỉ là một phần. Điều mà tôi lo nhất lại chính là năng lực ngoại ngữ yếu kém của đội ngũ chuyên gia huấn luyện và thí sinh. Đây là một hạn chế lớn trong việc phát huy tối đa năng lực thực hiện bài thi và bảo vệ kết quả bài thi trong các kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế.

Mặt khác, hiện chúng ta vẫn chưa huy động được sự tham gia của các DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài với công nghệ cao, thiết bị đầu tư sản xuất, dịch vụ hiện đại tham gia vào quá trình tổ chức huấn luyện thí sinh chuẩn bị tham dự các kỳ thi khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trong nước hiện chưa thu hút được các chuyên gia có chuyên môn giỏi, kỹ năng cao, ngoại ngữ thông thạo tham gia vào quá trình huấn luyện, đặc biệt là các chuyên gia đến từ DN sản xuất, dịch vụ có công nghệ, thiết bị cập nhật nhất hiện nay dự thi.

Kinh phí huấn luyện và tham gia dự thi của Việt Nam còn hạn chế, nên chưa đầu tư thích đáng cho công tác huấn luyện. Chính sách sử dụng và đãi ngộ với các thí sinh giành giải cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới cũng còn nhiều bất cập làm giảm động lực dự thi của các thí sinh.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng, sàn đấu lần này là cơ hội vàng để đoàn Việt Nam thể hiện hết năng lực và “thăng hạng” trong khu vực, tạo tiền đề cho kỳ thi tay nghề sắp tới được tổ chức tại San–pao– lô (Braxin).

PV: Với mục tiêu xây dựng 40 trường nghề chất lượng cao. Vậy, chúng ta sẽ tiến hành như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Đức Lân: Trước đây, chúng ta thường đầu tư theo trường, tức là cấp kinh phí, nhà trường đầu tư nâng cấp đồng bộ cho vài nghề, thậm chí dăm, bảy nghề. Nay, chúng ta chuyển hướng đầu tư theo nghề.

Cụ thể, nếu nhà trường được đầu tư 5 tỷ đồng thì số tiền ấy chỉ dành cho một nghề cụ thể. Trong đó, sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ giáo viên; xây dựng hoặc nhập khẩu chương trình chuẩn, giáo trình chuẩn; đầu tư cho cơ sở vật chất.

Đến thời điểm này, Bộ LĐ-TBXH đã có quyết định về việc đầu tư cho trường nào, nghề gì và đầu tư ra sao. Tóm lại, chúng ta sẽ đầu tư cho chiều sâu chứ không dàn trải theo bề rộng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kỳ thi tay nghề Asean năm nay, sẽ có 23 nghề, bao gồm: Lắp cáp mạng thông tin; cơ điện tử; thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD; giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; hàn; ốp lát tường và sàn; đường ống nước; điện tử; thiết kế trang web; lắp đặt điện; xâu gạch; mộc mỹ nghệ; mộc dân dụng; thiết kế các kiểu tóc; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ thời trang; công nghệ ô tô; nấu ăn; dịch vụ nhà hàng; điện lạnh; quản trị hệ thống mạng CNTT; thiết kế đồ họa; tự động hóa công nghiệp.

Trung Ninh