Lực cầu được nâng đỡ bởi dòng tiền khối ngoại

Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường chứng khoán tháng 2/2023. Trong đó nhấn mạnh tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 1 có sự ảnh hưởng rõ rệt từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hoạt động xuất nhập khẩu nối tiếp đà suy yếu từ tháng 9/2022, phần lớn do nhu cầu yếu tại các nước đối tác và một phần do kỳ nghỉ tết. Nguồn vốn FDI vẫn chậm, tuy nhiên dòng vốn FDI cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu tích cực đối với các dự án FDI mới, khi Việt Nam đã hồi phục kinh tế rất tốt từ khi mở cửa sau Covid-19 từ tháng 3/2022.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong tháng 1/2023, kéo dài chuỗi mua ròng sang tháng thứ 3 liên tiếp dù giá trị mua ròng giảm. Nhóm này ròng 3.787 tỷ đồng trong tháng 1/2023, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 6.792 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 3 nước ngoài mua ròng liên tiếp, sau khi mua 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11 và 12.834 tỷ đồng trong tháng 12/2022.

Hoạt động sản xuất công nghiệp suy giảm do kỳ nghỉ tết kéo dài và nhu cầu thị trường nước ngoài vẫn yếu. Tuy nhiên, áp lực chi phí lên hàng hóa cơ bản đang giảm dần và niềm tin kinh doanh đã tăng trở lại nhờ việc Trung Quốc mở cửa lại và lạm phát hạ nhiệt tại các nước phát triển.

Ngược lại với lạm phát hạ nhiệt tại các nước lớn, CPI tháng 1/2023 tại Việt Nam tăng mạnh trong dịp tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao. Lạm phát tại Việt Nam có độ trễ so với các nước phát triển và sẽ tạo đỉnh trong quý I, sau đó sẽ sớm hạ nhiệt.

Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang

Các yếu tố về tỷ giá và lãi suất trong tháng 1 tương đối ổn định, có phần hạ nhiệt trước bối cảnh đồng USD điều chỉnh giảm và Ngân hàng Nhà nước có động thái yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất trong tháng 12/2022. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, áp dụng kỳ hạn khá ngắn và áp lực lãi suất vẫn chưa thể hạ nhiệt.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư công trong tháng đầu năm đã được đẩy mạnh và kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho nền kinh tế trong năm 2023, khi các động lực từ đầu tư FDI và hoạt động xuất nhập nhẩu vẫn còn khó khăn.

Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.111,18 điểm, tăng 10,3% so với tháng trước đó, đây cũng là tháng tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu 2021. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm dưới mức trung bình 20 tháng cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Các chuyên gia của Yuanta đánh giá, điểm tích cực là nhiều cổ phiếu có dấu hiệu hồi phục từ vùng quá bán cho nên chỉ số VNIndex vẫn đang trong nhịp hồi của xu hướng giảm dài hạn. Đồng thời, nếu chỉ số VN-Index tiếp tục hồi phục trong tháng kế tiếp thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm dần, mức kháng cự dài hạn là 1.224 điểm.

Độ rộng thị trường trong xu hướng dài hạn vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng dài hạn vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chuyên gia Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư chưa nên mua vào thời điểm này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp dưới 30% danh mục dài hạn.

Trong khi đó, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá số liệu lợi nhuận quý IV và cả năm 2022 đã cho thấy sự suy yếu khá rõ trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong quý I/2023, việc duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2022 sẽ là một thách thức do mức nền cao, đồng thời ảnh hưởng của chi phí vốn cao sẽ dần thẩm thấu. Tuy nhiên, xét về mặt định giá, P/E khoảng 12 lần của VN-Index vẫn là khá hấp dẫn và lực cầu vẫn đang được nâng đỡ bởi dòng tiền khối ngoại.

Thiếu vắng thông tin hỗ trợ

Thị trường được dự báo sẽ bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Riêng trong tháng 2/2023, các chuyên gia Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, tiềm năng kết quả kinh doanh quý I tốt, hoặc có câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới và đang có mức định giá không đắt đỏ.

Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang
Nhà đầu tư có thể lựa chọn là cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, tiềm năng kết quả kinh doanh quý I tốt. Ảnh: T.L

Còn đại diện Chứng khoán Rồng việt (VDSC) cho rằng, việc VN-Index đã tăng 10,3% trong tháng 1 sẽ làm hạn chế dư địa tăng giá trong tháng 2. Trên thực tế, phiên giảm mạnh đầu tháng với thanh khoản cao đã kết thúc xu hướng phục hồi ngắn hạn.

Cùng với đó, việc thị trường điều chỉnh là cần thiết để thu hút dòng tiền trong bối cảnh chưa có động lực mới từ các yếu tố cơ bản. Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.010 - 1.100 điểm.

Đội ngũ chuyên gia VDSC cho rằng, thị trường đang trong trạng thái thiếu vắng động lực hỗ trợ mới. Theo đó, thị trường cần một nhịp điều chỉnh lành mạnh để thu hút dòng tiền quay trở lại và tạo động lực cho một đợt tăng mới bền vững hơn, khi các sự thay đổi trong nền tảng vĩ mô được kỳ vọng sẽ diễn ra tích cực hơn trong nửa cuối năm.

Với dự báo thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường trong giai đoạn nửa đầu năm, các chuyên gia đưa ra chiến lược giải ngân thận trọng, với việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn danh mục. Ngoài ra, những nhịp đi xuống của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trong năm 2023.