Quy định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ có thể gây ra khó khăn trên các thị trường gạo khắp khu vực.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm trong tuần này. Ảnh tư liệu.

Thị trường gạo châu Á

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, được báo giá ở mức 539-545 USD/tấn, giảm so với mức 543-551 USD/tấn của tuần trước. Giải thích cho diễn biến này, một thương nhân tại New Delhi cho biết người mua châu Á và châu Phi đang trì hoãn mua hàng vì dự đoán giá sẽ giảm. Bên cạnh đó, đồng rupee Ấn Độ tuần này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, từ đó làm tăng lợi nhuận từ doanh thu xuất khẩu của các công ty xuất khẩu.

Trong khi đó, các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 565 USD/tấn, tăng so với mức 560 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu từ các khách hàng Philippines ngày càng tăng, trong khi xuất khẩu sang Philippines và Indonesia đã tăng lên trong những ngày gần đây.

Còn tại Thái Lan, gạo 5% tấm được báo giá ở mức 565 USD/tấn, giảm so với mức 570-575 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá giảm một phần do đồng baht mạnh lên. Người này cho biết nguồn cung đang ổn định nhờ thời tiết thuận lợi.

Trong khi đó, Chính phủ Bangladesh đang phải vật lộn để kiểm soát giá gạo trước những bất ổn về chính trị, trong bối cảnh giá gạo trong nước vẫn tăng cao dù vẫn còn nhiều gạo dự trữ.

Thị trường nông sản Mỹ

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo Ấn Độ giảm, gạo Việt Nam tăng nhẹ

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT, Mỹ) đóng cửa phiên 9/8 ở mức thấp nhất của gần bốn năm qua và ghi nhận mức giảm theo tuần, trong khi giá lúa mỳ tăng trước các dự đoán sản lượng kém ở Pháp.

Trong một cuộc khảo sát mới đây, các chuyên gia phân tích dự báo sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ sẽ tăng nhẹ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Điều này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu gia tăng.

Giá ngô trên sàn CBOT đóng cửa phiên này giảm 2 xu Mỹ xuống 3,95 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giá đậu tương cũng giảm 5,75 xu Mỹ xuống 10,025 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Giá mặt hàng này ban đầu tăng sau khi USDA cho biết Mỹ đã bán được 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc, giao trong vụ mùa 2024/25 và một cuộc đình công trong ngành ở Argentina đã làm chậm hoạt động xuất hàng ở nước này.

Nhưng giá đậu tương giảm khi tính chung cả tuần này, do tốc độ xuất khẩu nhìn chung chậm và những tin tức về việc nông dân bán ra.

Trong khi đó, giá lúa mỳ khép phiên tăng 5 xu Mỹ lên 5,425 USD/bushel, qua đó kết thúc tuần này trong vùng tăng giá, khi điều kiện canh tác ở Pháp không thuận lợi. Thị trường đang chờ đợi vụ đấu thầu lớn nhất từ trước đến nay của Ai Cập – nước nhập khẩu lúa mỳ lớn - vào ngày 12/8.

Bộ Nông nghiệp Pháp ngày 9/8 đã hạ ước tính sản lượng lúa mỳ mềm năm 2024 của nước này, hiện được dự đoán sẽ giảm 25% so với năm ngoái. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thị trường cà phê thế giới

Ảnh minh họa

Giá cà phê thế giới hôm nay giảm mạnh khi lực bán ra cao ở cả hai sàn London và New York. Trong đó, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 trên sàn London giảm 110 USD xuống 4.326 USD/tấn còn giá cà phê ở kỳ hạn giao tháng 11/2024 giảm 91 USD xuống 4.162 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 giảm mạnh 1,25 xu Mỹ xuống 234,05 xu/lb, còn giá ở kỳ hạn giao tháng 12/2024 giảm 9,1 xu xuống 230,25 xu/lb. (1 lb = 0,4535 kg)

Thời gian qua, những thông tin về vụ thu hoạch ở Brazil, nhất là tình hình thời tiết, rất được thị trường quan tâm. Nhưng thông tin cho biết tình hình sương giá tại Brazil không gây ảnh hưởng nhiều đến vụ thu hoạch đã đẩy giá cà phê Arabica giảm hai ngày liên tiếp.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá cà phê ngày 10/8 giảm tới 1.800 đồng/kg so với hôm qua.

Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, cà phê tại 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang được giao dịch cùng mức 119.500 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar của Đắk Lắk, cà phê hôm nay đang thu mua ở mức 120.600 đồng/kg, còn ở huyện Ea H'leo và Buôn Hồ ở mức 120.500 đồng/kg.