Thanh khoản chậm có thể kéo dài đến hết năm

Khảo sát thị trường bất động sản (BĐS) vùng ven Hà Nội thời gian gần đây cho thấy, nhiều thông tin rao bán cắt lỗ đã xuất hiện trên các trang mạng.

Thị trường trầm lắng, tâm lý nhà đầu tư chờ giá bất động sản giảm sâu
Ảnh minh họa: Văn Nam.

Ông Nguyễn Văn Quân - một nhà môi giới bất động sản tại tỉnh Hưng Yên cho biết, khoảng 1 tháng nay, văn phòng của ông đã nhận hơn 20 người gọi tới nhờ rao bán hộ đất nền. Đây là những mảnh đất được mua từ thời điểm sốt đất, nên giá hầu hết đã giảm đến 20%, họ cũng sẵn sàng chi hoa hồng đến cả trăm triệu để nhờ bán thoát hàng.

Tuy nhiên, theo ông Quân, hiện nay số lượng người nhờ bán thì nhiều, nhưng người hỏi mua lại rất ít, chủ yếu hỏi thăm dò thị trường xem có giảm giá nữa không.

“Để tìm cách bán được hàng, tôi đã cho đăng tải liên tục trên các hội nhóm BĐS, chạy quảng cáo, gọi điện chào mời những khách hàng thân thiết… nhưng đều nhận được câu trả lời thời điểm này chưa muốn đầu tư” - ông Quân cho hay.

Thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát, mặc dù giá BĐS tăng nhanh nhưng thanh khoản chậm, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó. Nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Ông Trần Anh Tuấn - một môi giới BĐS tại Hà Nội chia sẻ, trong những tháng gần đây xuất hiện tình trạng người bán nhiều hơn người mua, không chỉ diễn ra ở khu vực vùng ven Hà Nội, mà tại nhiều tỉnh có hiện tượng sốt đất đã diễn ra phổ biến.

Ông Tuấn cho biết, trước thực trạng ngân hàng siết tín dụng từ đầu năm 2022, những nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng là chủ yếu bắt buộc phải đẩy hàng vì không có khả năng cầm cự, cùng với tâm lý sợ thị trường BĐS chững lại và đóng băng thời gian tới. Bên cạnh đó, về phía người mua có tâm lý dè dặt, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường BĐS có tiếp tục xuống giá sâu hơn mới xuống tiền đầu tư. Ông Tuấn cho rằng, hiện tượng nhiều người bán, ít người mua và không có thanh khoản trên trị trường sẽ còn kéo dài đến hết năm nay.

Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, thị trường BĐS đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021 khi thanh khoản không có nhưng giá vẫn tiếp tục tăng. Những dấu hiệu đó cho thấy thị trường đã đến đỉnh điểm của việc tăng trưởng nóng. Do vậy, trong những tháng cuối năm 2022, thách thức mà thị trường phải đối mặt là dấu hiệu giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. Trong giai đoạn này sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ.

Giá bất động sản giảm tập trung ở nhóm được “thổi giá”

Đánh giá về tiềm năng BĐS một số thị trường ven Hà Nội, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho biết, xét về những khu vực tiếp giáp Hà Nội có tiềm năng về đầu tư BĐS như tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hòa Bình. Trong đó, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh vẫn là những tỉnh có sức hút lớn, có thế mạnh phát triển khu công nghiệp. Còn Hòa Bình có sức hút về đầu tư mua BĐS là căn nhà thứ hai khi có điều kiện khí hậu, môi trường, cảnh quan thu hút người Hà Nội.

Tuy nhiên, thị trường BĐS một số tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… chủ yếu là đất nền đã có những cơn sốt rất mạnh, thiết lập mặt bằng giá mới. Các tỉnh này đất đều tăng giá 30 - 50% so với năm 2019, mức độ tăng giá trong thời gian ngắn như vậy là rất lớn.

Riêng tại Hưng Yên, theo ông Toản, một số nhà đầu tư lớn đầu tư vào những dự án quy mô lớn, họ “thổi giá”’ khiến giá BĐS tăng rất cao. Tuy giáp ranh Hà Nội, nhưng so sánh giá BĐS Hưng Yên với một số dự án ở Gia Lâm thì giá BĐS Hưng Yên tăng gấp 2 - 3 lần. Nhưng đến thời điểm hiện tại, thị trường Hưng Yên đang "đóng băng", nhiều nhà đầu tư không "thoát" hàng được, không bán được do giá bị “thổi” lên quá cao.

Thị trường trầm lắng, tâm lý nhà đầu tư chờ giá bất động sản giảm sâu
Giá bất động sản sẽ giảm sâu ở những khu vực có hạ tầng chưa đồng bộ, ở vùng sâu, vùng xa trung tâm. Ảnh: TL.

Ông Toản nhận định, giá BĐS thời gian tới sẽ không giảm nhiều ở những khu vực có hạ tầng giao thông đồng bộ và những BĐS có thể đưa vào khai thác và có đầy đủ tính pháp lý. Giá sẽ chỉ giảm sâu ở những khu vực có hạ tầng chưa đồng bộ, ở vùng sâu, vùng xa trung tâm, những khu vực đấu giá đất cao. Trong đó, xu hướng nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính sẽ phải giảm giá sâu để cắt lỗ và thị trường tiếp tục trầm lắng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thời gian qua, nhiều địa phương sốt đất, khi thị trường hàng hóa khan hiếm, nhiều cò đất tìm cách lách để có nguồn hàng “lậu”, hàng giả… Đó là san lấp đất rừng, gom đất chia lô tách thửa dù địa phương không có nhu cầu. Việc đầu cơ đó làm cho thị trường trở nên méo mó, giá bán qua tay bị đẩy lên cao nhưng giao dịch không có, thanh khoản kém.

Đối với nguồn cung nhà ở, do nguồn cung không có nhiều, nhưng nhu cầu thật của thị trường về nhà ở, đầu tư lớn sẽ gây ra hiệu ứng tăng giá, sốt đất. Trong khi đó, giá BĐS sẽ giảm tập trung ở nhóm được “thổi giá” trong giai đoạn gần đây, còn những BĐS khác có nhu cầu thực rất khó giảm giá.

Tồn kho bất động sản ở những nơi điều kiện hạ tầng không thuận lợi

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cầu BĐS ở thực vẫn ở mức cao, bất chấp giá nhà tăng “phi mã”. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao. Hiện nay, lượng tồn kho BĐS hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.