Tác động đến nhiều ngành, nghề
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có những tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực như: Sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.
Điều này buộc Việt Nam phải bắt kịp nền công nghệ thông minh của thế giới như: Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, công nghệ in 3D và người máy,… Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, cuộc cách mạng lần thứ 4 này cũng mang đến nhiều thách thức không hề nhỏ cho mỗi DN Việt. Cụ thể, về vấn đề hạ tầng công nghệ, an toàn và an ninh thông tin cũng như thích ứng và tận dụng cơ hội mà làn sóng công nghệ 4.0 mang lại.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải nhanh chóng có chiến lược cho phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia, có chính sách cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, chú trọng quan tâm phát triển nhân lực công nghiệp trong các ngành điện tử, cơ khí, chế tạo…
Ông Phạm Trần Anh, Giám đốc Khối khách hàng DN và Đối tác Microsoft Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội bứt phá, cơ hội tăng trưởng cho họ. Bởi nếu có nền tảng công nghệ hiện đại, DN có thể tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Có thể lấy ví dụ điển hình từ việc dám “dấn thân” của Tập đoàn Mai Linh, chuyển đổi từ phương thức vận tải truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Đó đơn giản là sự xuất hiện của dịch vụ Mai Linh bike (xe ôm Mai Linh), sau việc phát triển hệ thống ứng dụng gọi taxi tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Đây là một động thái rất tích cực, dũng cảm dám đương đầu với các đối thủ sừng sỏ trong ngành như: Uber và Grab từng làm và đã có những thành công trước đó. Điều này, cũng phần nào thể hiện sự khát khao muốn thành công, dám nghĩ dám làm của một DN thuần Việt như Mai Linh Group.
Nhà nước cần là "bà đỡ" chính sách
Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong thời gian tới các xu thế công nghệ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN, đặc biệt là DN SME, khởi nghiệp sáng tạo thâm nhập thị trường ngách với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang tính đột phá. Tuy nhiên, bà Hương cũng chỉ ra rằng, hiện phần lớn các DN công nghệ thông tin Việt Nam tăng trưởng dựa vào lợi thế chi phí thấp, nhân công dồi dào. Do đó, trong thời gian tới muốn cạnh tranh và đứng vững các DN Việt cần có chiến lược đầu tư vào con người, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, quản trị,...
Tại Hội thảo quốc tế "Phát triển công nghệ thông minh-Smart Industry World 2017", ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã bày tỏ quan điểm, Chính phủ Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các DN, đặt DN làm trung tâm trong xây dựng chính sách, nhưng DN cũng cần phải tích cực, chủ động trong phối hợp, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 sẽ "gõ cửa" từng nhà trong tương lai gần.
Ông Dương cũng nhận định, theo số liệu báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố mới đây, hiện Việt Nam đang dành quá ít nguồn lực cho đầu tư và phát triển, với mức 0,5-0,6% GDP - khoảng 16.000 tỷ đồng/năm (chưa tới 1 tỷ USD), trong khi Thái Lan đang có kế hoạch nâng lên 4,0% GDP, Trung Quốc dành 100 tỷ USD...
Ông Dương cho rằng, trong thời đại 4.0, các DN phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến để giản tiện quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… Mục tiêu cao nhất là nhằm giúp cho sức cạnh tranh của các DN Việt Nam được nâng cao và duy trì theo hướng sản xuất kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn./.
Văn Nam