Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay có hai cách hiểu về mặt cắt ngang hình vuông hoặc hình chữ nhật của thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm, được chi tiết tại mã số 7270.11.00.

Cách hiểu thứ nhất cho rằng mặt cắt ngang hình vuông hoặc hình chữ nhật của thép bán thành phẩm là những tứ giác có cạnh chéo bằng nhau tuyệt đối, các góc vuông 90 độ.

Trong khi đó, cách hiểu thứ hai cho rằng, trên thực tế sản xuất và công nghệ gia công nóng không có loại thép bán thành phẩm có mặt cắt ngang chính xác 100% là hình vuông và hình chữ nhật, các góc cũng không thể là góc vuông tuyệt đối. Các hình dạng cơ bản của phôi thép là hình vuông, hình chữ nhật, tròn, hình 6 cạnh, 8 cạnh… Việc tạo hình các phôi thép có hình chéo sai lệch chủ yếu do vấn đề công nghệ, lỗi kỹ thuật gây ra, nên không đạt được yêu cầu mong muốn, nhưng vẫn trong giới hạn yêu cầu kỹ thuật mà người sử dụng chấp nhận.

Về vấn đề này, Bộ KH&CN và Hiệp hội Thép Việt Nam cùng quan điểm là nên hiểu theo cách thứ hai.

Bộ KH&CN cho biết thêm, các Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1850:1976, TCVN 1851:1976 và TCVN 1852:1976 là các tiêu chuẩn quy định về cỡ, thông số kích thước đối với các loại phôi thép cán nóng, phôi thép cán phá và phôi thép tấm.

Các TCVN này đã bị hủy bỏ theo Quyết định số 2669/QĐ-BKHCN và không có TCVN thay thế. Vì vậy, các TCVN nói trên không còn hiệu lực và không thể viện dẫn làm cơ sở khoa học để áp dụng mà chỉ để tham khảo.

Như vậy, Bộ KH&CN và Hiệp hội Thép Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cho doanh nghiệp khi xác định tiêu chuẩn thép bán thành phẩm để mở tờ khai XNK với cơ quan hải quan./.

Hải Anh