61/63 địa phương có tiến độ thu đạt khá

Báo cáo kết quả thu ngân sách tại cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 10 của Bộ Tài chính mới đây, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 9 tháng năm 2022, thu ngân sách toàn ngành Thuế quản lý ước đạt 1.102.931 tỷ đồng, bằng 93,9% dự toán pháp lệnh, tăng 21,6% (so với cùng kỳ). Trong đó, số thu ngân sách trung ương lũy kế 9 tháng ước đạt 467.973 tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán, tăng 19,5%; thu ngân sách địa phương ước đạt 634.958 tỷ đồng, bằng 95,8% dự toán, tăng 23,1%.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, 9 tháng năm 2022, thu từ dầu thô ước đạt 60.059 tỷ đồng, bằng 213% dự toán, tăng 103,5%, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 107,05 USD/thùng, bằng 178,4% giá dự toán, tăng 62,3%; sản lượng ước đạt 6,42 triệu tấn, bằng 91,7% dự toán, tăng 19%. Thu nội địa ước đạt 1.042.871 tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán pháp lệnh, tăng 18,8%. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 798.729 tỷ đồng, bằng 87,3% dự toán pháp lệnh, tăng 15,3%. Tổng cục Thuế thông tin, nếu loại trừ các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và các khoản tăng thu do thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách kích cầu tiêu dùng thì còn tăng 8,1%.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin thêm, nếu tính theo địa bàn thu, đến nay có 61/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (đạt trên 75%) như: Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương... Tuy nhiên, vẫn còn 2/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán thấp dưới 75% là: Cao Bằng ước đạt 58,4%, Bắc Ninh ước đạt 65,8% (chủ yếu do thu tiền sử dụng đất đạt thấp, chỉ đạt 28,5% dự toán).

Bình luận về yếu tố tác động đến số thu ngân sách 9 tháng ngành Thuế thực hiện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ năm trước nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước, điển hình khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%...

“Theo báo cáo của ngành Thuế, đến nay có 17/19 khoản thu, sắc thuế có tiến độ thu đạt khá (đạt trên 75%) và tăng so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu khá tích cực của nền kinh tế, qua kết quả thu ngân sách cũng khẳng định các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã đi đúng hướng. Bên cạnh đó, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ngoài việc nỗ lực thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào ngân sách, ngành Thuế đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, đã tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đánh giá kỹ tác động để có giải pháp điều hành kịp thời

Đề cập đến nhiệm vụ thu ngân sách 3 tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, cho biết 3 tháng gần đây, số thu ngân sách có xu hướng giảm. Đây là vấn đề cần được phân tích, rà soát, dự báo để có giải pháp điều hành kịp thời, động viên các đơn vị nỗ lực hoàn thành dự toán thu. Tổng cục Thuế đã có những chỉ đạo trực tiếp.

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã giao Vụ Dự toán thu thuế tiếp tục bám sát diễn biến tình hình xung đột Nga - Ukraina, tình hình biến động giá dầu thế giới và trong nước để phân tích, đánh giá tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh và kinh tế - xã hội trong nước, từ đó có đánh giá, dự báo khả năng, tình hình thu ngân sách; tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ, diễn biến thu ngân sách, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để tham mưu kịp thời phương án chỉ đạo, điều hành thu NSNN phù hợp trong những tháng cuối năm, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 Bộ Tài chính giao.

17 khoản thu, sắc thuế tăng so với cùng kỳ

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục mạnh mẽ, lũy kế 9 tháng có 17/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 75%) và tăng so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 83,3%, tăng 14,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 77,7%, tăng 5,9%; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 87,2%, tăng 18,9%; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 108,8%, tăng 30,9%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 103,8%, tăng 33,4%; thu tiền cho thuê đất ước đạt 107,4%, tăng 16,2%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 121,2%, tăng 50%...

Đồng thời, Vụ Dự toán thu thuế rà soát, đánh giá kỹ tác động khi triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế và nắm sát tình hình hồi phục kinh tế để dự báo khả năng thu, đặc biệt là các nguồn thu bị tác động bởi các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng và các chính sách tài khóa tiền tệ khác, trên cơ sở đó, dự báo thu cả năm 2022 sát thực tế, tham mưu chính xác lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chủ động trong cân đối, điều hành thu - chi hiệu quả.

Cùng với đó, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục bám sát, báo cáo tình hình nợ thuế, thu hồi nợ đọng thuế; rà soát, phân tích kỹ lưỡng tính chất nợ, tham mưu cho tổng cục các giải pháp phù hợp để đôn đốc, cưỡng chế, thu nợ thuế, theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, giảm tình trạng nợ đọng.

Các đơn vị thuế đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội; tổng hợp kết quả xử lý của toàn ngành Thuế; hướng dẫn, giải đáp và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết.Ngoài ra, Tổng cục Thuế giao Cục Công nghệ thông tin đẩy nhanh các thủ tục, hồ sơ để thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc vận hành hoá đơn điện tử được thông suốt, không bị gián đoạn, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.