Sự kiện kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xác định là một trong những việc trọng tâm trong năm 2022. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu nhấn mạnh vị thế cao quý của nghề giáo. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chia sẻ về trọng trách của giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có. Nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số; phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.

Thủ tướng vui mừng vì sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại của ngành, Thủ tướng lưu ý mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Thủ tướng mong rằng các thầy cô giáo luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình “Trường học An toàn - Thân thiện - Bình đẳng”, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò và giữa thầy với phụ huynh học sinh.

Đối với phụ huynh và học sinh, Thủ tướng mong rằng các em hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả cống hiến hết mình của các thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài, để mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo; dành cho ngành Giáo dục sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn nữa./.

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.