thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Việt.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức sáng 15/5, tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể cho Việt Nam.

Công nghệ là yếu tố nội dung quan trọng của tăng trưởng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hội nghị là sự kiện quan trọng để Chính phủ tham vấn ý kiến tâm huyết từ các tổ chức tư vấn quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, phục vụ xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi lắng nghe ý kiến tham luận của các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho con người. Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì? Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.

toàn cảnh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Việt.

“Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta. Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước".

Cần khắc phục những hạn chế

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận, thực tiễn và những tồn tại trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải chủ động khắc phục.

Thủ tướng cho biết, theo báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam, đầu tư cho khoa học công nghệ có xu hướng giảm, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp so với trung bình của thế giới; khi quy về một “mặt bằng” so sánh ở hàng rất thấp trong khu vực. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Cả khu vực nhà nước và tư nhân, chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta.

Để đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.

Cùng với đó, phải xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững./.

Đức Việt