Sáng ngày 29/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đã có buổi đối thoại trực tiếp với gần 1.000 đại diện đến từ các DN, các tổ chức hiệp hội DN trong nước và quốc tế.

Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công thương, Xây dựng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ…

Hội nghị mang chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, với mục đích tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế… Hội nghị được kết nối trực tuyến với lãnh đạo chính quyền 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong xây dựng đất nước, đi đầu vẫn là đội ngũ DN Việt Nam. Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ DN phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.

“Đại biểu phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực, trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ rào cản để phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Hoàn thiện thể chế và kéo giảm chi phí cho DN

hoi nghi
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng lắng nghe kiến nghị từ DN. Ảnh Đỗ Doãn

Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

Đó là giảm thiểu các rủi ro và chi phí; vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới… thì cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng. Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, trong đó khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước với các DN FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư như hiện nay...

“Cộng đồng DN cũng đề nghị xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương với DNNN, rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như DNNN; thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển DN nhỏ và vừa; bảo đảm nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư không đồng thời là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến; đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường…”, ông Lộc nói.

DN kiến nghị trực tiếp vào nhiều thực trạng cần phải sửa đổi

Sau phần phát biểu của ông Lộc là ý kiến đóng góp trực tiếp của cộng đồng DN với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; những góp ý trực diện vào cơ chế, chính sách nhằm mang lại môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư và tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng mạnh…

Cụ thể, đó là phát biểu của ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về những giải pháp giúp các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, về Luật Phá sản chưa phát huy tác dụng…; phát biểu của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CtyCP Ô tô Trường Hải về những lý do cần thiết đánh giá lại thực trạng của các công nghiệp để có những cập nhật và đưa ra định hướng đúng cho DN.

Phát biểu của bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc CtyCP Sữa Việt Nam Vinamilk liên quan đến Luật DN và Luật Đầu tư như thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy phép con, sự chồng chéo của các cơ quan… nhằm tránh gây phiền hà cho DN; phát biểu của đại diện hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air về việc hỗ trợ DN tư nhân tham gia đầu tư vào cơ hạ tầng sân bay; phát biểu của đại diện Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (Đầu cầu Gia Lai) về những hỗ trợ cho DN cao su, về phương tiện vận tải, ưu đãi đối với DN đầu tư ra nước ngoài đem hàng về bán trong nước…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã lắng nghe những ý kiến phản ảnh về khó khăn, đóng góp về chính sách của đại diện các hiệp hội DN trong và ngoài nước như Hiệp hội DNNVV, Hiệp hội DN Hoa Kỳ, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Euro Cham, Hiệp hội DN Bất động sản TP. Hồ Chí Minh…

Nhìn chung, các kiến nghị, phản ánh, ý kiến đóng góp đã nêu và mô tả rõ được một phần thực trạng môi trường kinh doanh trong nước, những lỗ hổng khiếm khuyết về mặt chính sách và những điểm cần phải sửa chữa hay khắc phục ngay.

Chính phủ cam kết coi DN là đối tượng phục vụ

bo truong dtd
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Sau phần trình bày của đại diện các hiệp hội là phần trả lời giải đáp kiến nghị của DN. Lần lượt Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Thống đốc NHNN… báo cáo nhanh về tình hình thực trạng của mỗi ngành, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, những đóng góp hữu ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; đồng thời đều cam kết sẽ xem DN như là đối tượng để phục vụ chứ không phải là đối tượng để quản lý khi ban hành chính sách.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thể hiện quyết tâm xoá bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động, khi nêu lại những hoạt động mà Bộ đã thường xuyên thực hiện trong suốt thời gian qua, như việc mở các cuộc đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Những hoạt động trên đã đẩy nhanh tiến độ rút ngắn thời gian nộp thuế, hải quan điện tử một cửa… cũng như đề xuất nhiều chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

"Trong quá trình thực hiện, nhiều vướng mắc đã được giải quyết. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số lĩnh vực với các giải pháp cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: Phấn đấu trước 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa... Trong đó tập trung vào công tác hoàn thuế và tiến tới hoàn thuế điện tử, giải quyết khiếu nại, quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thuế, đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…

"Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để bảo đảm công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, đặt trọng tâm vào việc đào tạo mới cũng như đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, công vụ… nhằm loại bỏ việc gây phiền hà cho DN và phục vụ DN theo đúng chức trách nhiệm vụ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Chính phủ triển khai giải quyết ngay các kiến nghị

ky ket
Chính quyền TP. Hà Nội và chính quyền TP. Hồ Chí Minh ký cam kết với VCCI về việc tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động. Ảnh Đỗ Doãn

Sau phần trả lời giải đáp vướng mắc của lãnh đạo các bộ, ngành, hội nghị đã chứng kiến việc ký kết giữa chính quyền TP. Hà Nội và chính quyền TP. Hồ Chí Minh với VCCI về tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Hà Nội cam kết xây dựng chính quyền điện tử; 100% hồ sơ đăng ký DN qua mạng sẽ được giải quyết trong vòng 2 ngày; duy trì tỉ lệ DN kê khai thuế điện tử 95%, nộp thuế điện tử là 90%; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư so với quy định; giảm 20% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất...

TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết tích cực xây dựng chính quyền điện tử; phấn đấu 98% DN kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử là 90%; phấn đấu giảm 50% thủ tục hải quan so với quy định; thủ tục đăng ký DN, đăng ký đầu tư giảm 30%...

Chứng kiến việc ký kết này, Thủ tướng đã yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước đều phải cam kết như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, bởi đây là những nội dung thiết thực.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thuận lợi cho DN. Ngoài ra, sức cạnh tranh của DN giảm do cơ chế chính sách, chi phí thủ tục tăng, tình trạng liên kết chưa cao, phí chồng phí, cán bộ ở nhiều cấp, ngành còn gây cản trở phiền hà cho DN.

“Trong hai năm qua, dù Nghị quyết đi vào triển khai nhưng nhiều bộ ngành, các cấp chính quyền vẫn chưa hiểu rõ tinh thần nghị quyết. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo khiến môi trường kinh doanh méo mó, chưa thuận lợi nhất để phát triển kinh tế”, Thủ tướng nói.

Về thực trạng môi trường kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu DN cần phải xây dựng văn hoá doanh nhân, nâng cao năng lực và được thực hiện kinh doanh tất cả các loại hình mà luật không cấm. Các cơ quan tuyệt đối không được thực hiện theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" mà phải nhất quán; đồng thời khi đưa ra một chính sách mới thì phải rõ ràng, không được theo kiểu hiểu sao cũng được; không thanh tra chồng chéo, đặc biệt thanh tra, kiểm toán thuế phải minh bạch.

“Còn những vấn đề khó khăn mà đại diện các DN cũng như các vấn đề được nêu ra tại hội nghị… tất cả sẽ được tổng hợp phân loại để ngay trong chiều nay Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng giải quyết và xử lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định./.

Đỗ Doãn