TT

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2015; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015.

Cải cách hành chính phải bằng hành động cụ thể

Đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong hai tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước tiếp tục ổn định, không có hiện tượng sốt giá, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng cao cho thấy tín hiệu tốt về tăng tổng cầu. Thu ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ, vốn ODA và FDI tiếp tục có những tín hiệu tích cực…

Về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các thành viên Chính phủ cho rằng thời gian qua hoạt động này đã có nhiều nỗ lực, song so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN, người dân… Vì vậy, đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ các TTHC không cần thiết; đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực; đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm,…

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phải làm đồng bộ, trong đó tập trung vào cải cách TTHC, phấn đấu ngang bằng như các nước ASEAN 6, thậm chí là ASEAN 4.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2015 phải tạo ra bước chuyển biến thực sự và mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành phải đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể để đơn giản hóa TTHC và cắt giảm thời gian thực hiện các TTHC, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập DN, tiếp cận điện năng,… đi cùng với đó là phải kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

“Cải cách hành chính không nói chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể”, Thủ tướng yêu cầu.

Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như cần phân tích rõ tình hình, nguyên nhân và bản chất số DN ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu để sớm giảm tiếp lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho DN. Tập trung và cương quyết đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước. “Những cán bộ, công chức liên quan, tiếp tay cho buôn lậu phải kiên quyết xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu DNNN, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém.

Một nhiệm vụ nữa được Thủ tướng lưu ý là tập trung thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. “Giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch. Tương tự giá dịch vụ y tế cũng phải tính đúng, tính đủ. Đi liền đó phải điều tiết để khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường, nhà nước phải giúp cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội” - Thủ tướng nói.

Dương An