Tiềm năng phát triển lớn

Ngày 22/3, hội thảo "Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới" được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên VnExpress. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số để phục vụ việc thu thập thông tin, giao dịch, kết nối xuyên biên giới. Hơn hết, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của toàn cầu.

Thị trường thương mại điện tử vì thế ngày càng mở rộng, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với các bộ, ban, ngành ban hành các giải pháp, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi số. Kết quả, Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân (IPSC) ra đời, đến nay là hỗ trợ kỹ thuật quy mô lớn, trong đó tập trung tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Mục đích chính là hỗ trợ giải quyết vấn đề con người, công nghệ, kỹ thuật.

IPSC là dự án quy mô lớn, nhằm hướng đến hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp, 60 doanh nghiệp tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra quốc tế thành công.

Bà Trần Như An - Cố vấn năng lực cạnh tranh và quản lý dự án IPSC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, dưới ảnh hưởng Covid-19, phương thức tiêu dùng và năng lực mua sắm có nhiều thay đổi. Cũng trong bối cảnh này, doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, vận hành nhằm đảm bảo sự cạnh tranh. Trong làn sóng Covid-19, năm 2020 lĩnh vực thương mại điện tử đạt 14 tỷ USD, có 61 triệu người dùng smartphone, tỷ lệ này thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử phát triển. Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất năm 2026 với doanh số 56 tỷ USD.

“Dù có tiềm năng lớn, nhưng hiện vẫn có một số khó khăn, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ chưa thể cạnh tranh với đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm. Do đó cần đào tạo nâng cao năng lực các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin” - bà An thông tin.

Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho hay, thời gian vừa qua, Covid-19 khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Thương mại điện tử không nằm ngoài sự tác động này. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội riêng cho những doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số.

Liên quan đến thương mại điện tử Việt Nam trong dịch bệnh, Bộ Công thương cũng triển khai điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp nội địa, cho thấy hai năm gần đây (năm 2020, 2021), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm. Năm 2021 doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270USD/người/năm.

Cần có chiến lược phát triển dài hạn

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, không phải doanh nghiệp nào tận dụng thương mại điện tử đều thành công, thất bại cũng có, thách thức không ít: cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi tiền tài, kỹ năng, chiến lược, quy trình tham gia, cũng dễ đối mặt với rủi ro pháp lý.

Chính phủ Việt Nam có nhiều công sức hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho kinh tế số, thương mại điện tử, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện như bảo vệ quyền riêng tư, quyền lợi người tiêu dùng, xuyên biên giới càng phức tạp...

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. Xu hướng phát triển thương mại điện tử là không thể đảo ngược. Trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do Covid-19, thì bán lẻ qua thương mại điện tử lại tăng.

Theo ông Toàn, Top 5 mặt hàng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu là thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân. Ông Toàn cho rằng, trừ điện tử dân dụng, 4 ngành hàng còn lại rất tiềm năng với Việt Nam.

Bà Vũ Thị Thư - Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội, Sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, thương mại điện tử là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2025. Khi làm việc trên sàn có nhiều vấn đề, xoay quanh các nội dung lớn: kinh doanh đa sàn cần hiểu rõ cơ chế từng sàn; hiểu thị trường (ngách, mảng, đối thủ); xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn; đầu tư dài hạn.

“Sau phân tích thị trường, cần xây dựng chiến lược dài hạn. Với một doanh nghiệp, khi lên sàn thương mại điện tử cần xây dựng các chiến lược, quan trọng nhất là giá. Trên thương mại điện tử, giá giúp định vị thương hiệu, có phù hợp khách hàng trên sàn không. Tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, phần này sẽ có bộ phận hỗ trợ từ sàn, giúp doanh nghiệp gây dựng tiếng vang và phát triển” - bà Thư chia sẻ./.