thuong tet

Ảnh T.L minh họa.

Dưới góc độ tổ chức đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, điều 103 Bộ luật Lao động quy định tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế qua theo dõi hằng năm của cơ quan này, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiền thưởng tết cho người lao động, với khoảng trên 90%, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn.

“Tiền thưởng tết lâu nay đã có và hầu như các doanh nghiệp đều thực hiện. Do đó, tôi nghĩ nên luật hóa thành một quy định cụ thể, trong quá trình hoàn thiện bộ luật chúng tôi sẽ có góp ý thêm” - ông Quảng nói.

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, từ trước đến nay thưởng tết không phải là bắt buộc mà còn căn cứ vào kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Lợi vấn đề thưởng tết nên đưa vào thỏa ước lao động tập thể thì sẽ hợp lý hơn. Trong thỏa ước này cần quy định nếu doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thì phải sẵn sàng trả thưởng để tạo ra động lực làm việc cho người lao động.

Thừa nhận đúng là quy định về tiền thưởng là đã có trong Bộ luật Lao động, song ông Lợi cho rằng còn thiên về nguyên tắc và tiền thưởng mới chỉ dựa trên phần năng suất lao động tăng lên. Như vậy, nếu đưa vấn đề này vào thỏa ước lao động tập thể thì tiền thưởng phải dựa trên cả phúc lợi tập thể, hiệu quả kinh tế cũng như có sự thương lượng giữa chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động.

“Tôi nghĩ quy định cứng trong luật thì khó nhưng chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu vấn đề này để thẩm tra, xem xét. Nếu quy định được thì ở mức độ nào, theo nguyên tắc và cách thức thực hiện ra sao để tạo cơ hội để chủ sử dụng lao động chăm lo đến vấn đề thưởng, người công nhân cũng có động lực để làm việc” - ông Lợi thông tin./.

Mai Đan