Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không ít ý kiến cho rằng, không cần đao to búa lớn, muốn vực dậy nền kinh tế, trọng tâm từ nay đến cuối năm chỉ cần 4 chữ “t”. Đó là “tập trung tiêu tiền”. Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế vào cuối tuần trước thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, với sự tham gia của nhiều khách mời là các chuyên gia đã bàn thảo sôi nổi về khả năng gần như chắc chắn GDP năm nay sẽ “rớt đài” khi cố hết sức thì may ra đạt được 3% trong khi mục tiêu đề ra là 6,8%.

Không thấy con số “rớt đài” này có gì là bi kịch, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Lúc này, đừng quá quan tâm tăng trưởng cao hay thấp, đừng quá đặt nặng cân đối thu chi ngân sách, mà quan trọng là bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp đang chịu tổn hại nặng nề vì dịch bệnh. Doanh nghiệp “chết” thì những năm tới chúng ta càng khó khăn hơn”.

Đó cũng là lý do chính để nhắc đến nhiệm vụ trọng tâm mang tên 4 chữ “t”. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn đề xuất nên có giải pháp mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Còn TS Cấn Văn Lực nêu giá trị thực cuối cùng mà ngân sách Việt Nam bỏ ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 tương đương 3% GDP (gồm cả hỗ trợ của hệ thống các tổ chức tín dụng). Đến nay, mới thực hiện được 25 - 30% số đó, phần còn lại làm như thế nào để tiêu cho nhanh phải được coi là trọng tâm từ nay tới cuối năm và cả năm 2021.

Điển hình cho việc tiền vẫn có mà lại khó tiêu là gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19, có giá trị là 62 nghìn tỷ đồng, sau 4 tháng triển khai, chỉ giải ngân được khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ được ca ngợi tại Diễn đàn Quốc hội Kỳ họp thứ 9, diễn ra hồi tháng 6, là “chưa từng có kể từ khi thành lập nước, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ bằng tiền cho người dân”.

Để có thể triển khai được chính sách nhân văn “chưa từng có”, Bộ Tài chính đã phải đau đầu tính toán “giật gấu vá vai” ngân sách để có đủ nguồn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thiết kế quy định để đảm bảo cho mỗi đồng ngân sách đều được tiêu chặt chẽ, bởi mỗi đồng đó đều là công sức của dân.

Và theo kết quả khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội hồi tháng 7, thì có thể thấy chặt chẽ quá cũng là giảm đi ý nghĩa của một chính sách đặc biệt nhân văn này. Chẳng hạn quy định về nhóm 1, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương là nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề do Covid-19, nhìn thì tưởng đơn giản nhưng với biểu mẫu tổng hợp danh sách chưa được hướng dẫn cụ thể, chỉ có biểu mẫu tổng hợp dành cho doanh nghiệp, còn đối với cấp huyện, tỉnh thì không có biểu mẫu, nên địa phương cũng vừa thực hiện vừa… run. Cũng ở nhóm 1, điều kiện hỗ trợ là doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính quý I/2020, trong khi một số công ty chỉ làm báo cáo tài chính theo năm chứ không làm theo quý nên không đủ điều kiện hỗ trợ.

Phải dồn trọng tâm cho 4 “t”, thì mới thực không uổng công Chính phủ, uổng công Bộ Tài chính đau đầu tính toán. Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ để mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn…

Đoàn Trần