Miễn, giảm, gia hạn 180 nghìn tỷ đồng

Ngay từ cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 thông qua gói hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay, trong đó quy định các chính sách miễn, giảm thuế như: Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu (có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không áp dụng việc giảm thuế). Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế nêu trên đã làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chính sách giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng làm giảm thu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước làm giảm thu ngân sách khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, làm giảm ngân sách khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng.

Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí, doanh nghiệp, người dân được giảm khoảng 900 tỷ đồng. Về số tiền gia hạn thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2022 với giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng. Gói hỗ trợ về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần, không thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vì mục tiêu điều hành lạm phát, vì tránh tác động tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thực hiện trong năm qua.

Giảm thuế, giảm sức ép lạm phát

Trong bối cảnh nguồn thu NSNN chịu nhiều tác động không thuận lợi bởi dịch Covid-19 những năm vừa qua (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Tổng số tiền hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí tiền thuê đất là 233 nghìn tỷ đồng

Theo ước tính của Bộ Tài chính, dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên trong năm 2022 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả số giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn), cụ thể: số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng. Thực tế thực hiện tính đến cuối tháng 11/2022, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được gia hạn, miễn, giảm khoảng 180 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Thắng lợi kép khi giảm thuế lớn, ngân sách nhà nước vẫn “bội thu”

Thực tế đã chứng minh việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí là hướng đi đúng. Mặc dù “chưa có khi nào trong lịch sử giảm thuế nhiều như hiện nay” như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nói, nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt được trong năm 2022 là hết sức khả quan. Nhờ có hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại đã góp phần cho thu NSNN thuận lợi hơn. Thu NSNN tính đến ngày 15/12/2022 đã vượt gần 20%, tăng 78 nghìn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội vào thời điểm kỳ họp tháng 10 vừa qua. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, ngành Tài chính phấn đấu tăng thu cao hơn con số đạt được hiện nay.

Tại cuộc họp tổng kết của ngành Tài chính mới đây, sau khi phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu chỉ đạo và cũng là lời nhắn gửi ngành Tài chính phải quan tâm hơn nữa tới việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, có vị đại biểu Quốc hội đã nhắc đi nhắc lại rằng, trong năm 2022 Bộ Tài chính đã khai thác thu tốt, không phải là tận thu đối với người dân, doanh nghiệp. Ở đây chính là đã khai thác tốt nguồn thu từ các khoản mà lâu nay chúng ta chưa phát huy được tốt, như thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu từ kinh doanh thương mại điện tử, thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam… Bên cạnh đó, việc ngành Thuế triển khai toàn diện hóa đơn điện tử cũng đã góp phần công khai, minh bạch hơn nữa trong quản lý thu thuế, hỗ trợ cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đã góp phần tăng thu cho NSNN.

Thời gian qua và đặc biệt là năm 2022 với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm tiền thuê đất...