Tiết kiệm hơn 3,6 tỷ đồng từ cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp
Tiết kiệm hơn 3,6 tỷ đồng từ cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Phúc Nguyên

Theo Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021 mặc dù cùng lúc phải ứng phó với các hiện tượng thiên nhiên bất thường và đại dịch Covid-19 nhưng ngành NN&PTNT đã tập trung triển khai các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NQ 02), Nghị quyết 68/NQ-CP Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (NQ 68).

Bộ NN&PTNT giao Vụ Pháp chế của bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc bộ có liên quan thực hiện thống kê, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ tập trung thực hiện rà soát, sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (Thông tư 15) nhằm đáp ứng các yêu cầu tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng như đảm bảo phù hợp, thống nhất với các văn bản mới được Quốc hội thông qua như: Luật Thủy sản năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018.

Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế hoàn thiện trình Bộ trưởng ký ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2021 ban hành Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ và danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực NN&PTNT. Việc ban hành Thông tư 11 đã giúp cắt giảm 234/1.768 dòng hàng (chiếm tỷ lệ 13%).

Các dòng hàng cắt giảm gồm: không thực hiện kiểm dịch đối với 139/755 dòng hàng trong danh mục đối tượng phải kiểm dịch động vật, bao gồm: 113/447 dòng hàng là các sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, ngâm muối, xông khói…; 26/308 dòng hàng là sản phẩm chế biến có chứa sữa, sản phẩm đã qua xử lý như lông thú, lông vũ …

Không kiểm tra chất lượng đối với 95 dòng hàng, cụ thể: 03/29 dòng hàng phân bón; 91/115 dòng hàng là nguyên liệu thuốc thú y, thuốc thú y; 01/01 dòng hàng là môi trường pha loãng, bảo tồn tinh giống vật nuôi.

Chi phí tuân thủ ước tính tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp từ việc cắt giảm danh mục hàng hóa trên là hơn 3,6 tỷ đồng.

Như vậy, dựa trên kết quả đã cắt giảm 5054/7698 dòng hàng (đạt tỷ lệ 65%) từ năm 2018, tổng cộng số lượng dòng hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông qua thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT đã cắt giảm 78% so với năm 2017./.